Quản lý hóa chất, tiền chất: Bảo đảm chặt chẽ nhưng vẫn hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh

Ngành Hải quan xác định, công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất bảo đảm sự chặt chẽ để có thể kiểm soát rủi ro từ mặt hàng này, nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: TH)

Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: TH)

Tiềm ẩn rủi ro lạm dụng vào mục đích bất hợp pháp

Tiền chất được sử dụng hợp pháp và rộng rãi trong các ngành công nghiệp y tế và nghiên cứu khoa học. Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của các DN, nhu cầu xuất nhập khẩu (XNK) hóa chất, tiền chất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng tăng cao.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK tiền chất trên toàn quốc phát sinh tại 20 Cục Hải quan địa phương với khoảng 700 DN tham gia làm thủ tục hải quan. Các DN hoạt động XNK tiền chất công nghiệp tập trung chủ yếu tại các tỉnh, TP có các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể, năm 2023, khối lượng hóa chất là tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần nhập khẩu là hơn 400.000 tấn và hơn 7 triệu lít, trong đó nhập khẩu tại chỗ là 18.000 tấn và hơn 230.000 lít; khối lượng xuất khẩu là gần 70.000 tấn và hơn 22.000 lít, trong đó xuất khẩu tại chỗ là 14.000 tấn và hơn 22.000 lít.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng hóa chất là tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần nhập khẩu là gần 250.000 tấn, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và hơn 2,4 triệu lít, ít hơn khoảng 600.000 lít so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu ghi nhận 34.000 tấn, ít hơn 6.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023 và hơn 20.000 lít, nhiều gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Các loại hóa chất, tiền chất được sử dụng trong các hoạt động sản xuất keo dán, sơn công nghiệp, sản xuất nhựa, da giày, dệt nhuộm, xử lý nước, chất tẩy rửa… Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ các loại tiền chất này được lạm dụng vào các mục đích bất hợp pháp do tiền chất là các loại hóa chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế ma túy.

Với vai trò là thành viên của Tổ công tác liên ngành Trung ương về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tham gia đoàn kiểm tra tại trụ sở 9 DN, trong đó đã phát hiện vi phạm của 6 DN. Cụ thể là vi phạm về xuất khẩu tiền chất không có giấy phép xuất khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhập khẩu thuốc thú y có chứa tiền chất không có giấy phép của cơ quan chuyên ngành, giấy phép XNK tiền chất được cấp chưa phù hợp với thực tế lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp không có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành...

Qua công tác kiểm định hải quan, kiểm tra nội bộ và rà soát hệ thống nghiệp vụ ngành, Cục Kiểm định Hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng đã nhận diện một số đối tượng hàng hóa có tiềm ẩn rủi ro cao tiền chất công nghiệp, đồng thời đã phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm, trong đó có hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp.

Bảo đảm mục tiêu kép

Trước thực trạng trên, ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý nhưng vẫn tạo thuận lợi cho DN trong việc XNK hóa chất, tiền chất. Theo đó, việc triển khai thực hiện Công văn 1276/TCHQ-ĐTCBL và Kế hoạch số 1884/KH-TCHQ ngày 4/5/2024 của Tổng cục Hải quan về đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất qua biên giới năm 2024 đã góp phần nâng cao ý thức của công chức Hải quan và DN XNK tiền chất công nghiệp, tăng cường khả năng quản lý của cơ quan Hải quan đối với các hóa chất có sử dụng tiền chất, chất hướng thần, chất ma túy.

Phó Trưởng phòng Kiểm định (Cục Kiểm định Hải quan) Lê Thị Kim Loan cho biết, trong những năm qua, Cục đã phát hiện nhiều chủng loại hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp qua công tác phân tích, kiểm định hàng hóa bằng trang thiết bị. Cụ thể, đã ban hành khoảng 100 thông báo kết quả chứa tiền chất công nghiệp chủ yếu là các tiền chất: aceton, toluene, methyl ethyl keton, axit acetic, axit hydrochloric, axit sulfuric, axit formic có trong hàng hóa khai báo hỗn hợp dung môi hữu cơ, chế phẩm làm sạch; polymer, keo trong dung môi hữu cơ, chế phẩm mạ; hỗn hợp hóa chất khác. Một số trường hợp hàng hóa khai báo chứa tiền chất thuộc nhóm 2, hàm lượng dưới 5%, thực tế phân tích hàm lượng tiền chất trên 5% thuộc đối tượng phải có giấy phép nhập khẩu. Kết quả phân tích, kiểm định là cơ sở để đơn vị yêu cầu kiểm định đối chiếu với các nội dung khai báo tại tờ khai hải quan để tiếp tục xử lý theo quy định.

Còn tại các Cục Hải quan địa phương, nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo cũng được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác kiểm soát hóa chất, tiền chất XNK. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất, cần khu trú lại tất cả những loại hóa chất có nguy cơ cao có thể sản xuất các loại ma túy hoặc chất gây nghiện để tập trung quản lý. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phân loại các mặt hàng hóa chất theo mức độ rủi ro tại từng thời điểm nhất định.

Để nâng cao hiệu quả công tác phân tích, kiểm định tiền chất đối với hàng hóa XNK thời gian tới, bà Lê Thị Kim Loan kiến nghị Tổng cục Hải quan quan tâm nội luật hóa công tác kiểm định hải quan trong văn bản quy phạm pháp luật, để Cục Kiểm định Hải quan có cơ sở triển khai công tác kiểm tra về hải quan, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và theo quy định của Bộ, ngành.

T.Công

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-ly-hoa-chat-tien-chat-bao-dam-chat-che-nhung-van-ho-tro-cho-san-xuat-kinh-doanh-post521795.html