Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngầmTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)
Thời gian qua, các ngành chức năng, các đơn vị quản lý, khai thác nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước ngầm. Qua đó, góp phần quan trọng phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên địa bàn.
Theo báo cáo phương án, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là trên 530.000 m3/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất là hơn 1,7 triệu m3/ngày; tổng lượng bổ cập nước dưới đất đạt trên 1,1 triệu m3/ngày. Toàn tỉnh có huyện Bình Gia có khả năng khai thác nước ngầm cao nhất, trữ lượng khai thác đạt hơn 77.000 m3/ngày; thành phố Lạng Sơn có trữ lượng khai thác thấp nhất hơn 4.400 m3/ngày. Để đảm bảo khai thác và bảo vệ tài nguyên nước ngầm hiệu quả, bền vững các đơn vị quản lý, khai thác tài nguyên nước trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp.
Ông Dương Hữu Thức, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Là đơn vị khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất với công suất lớn phục vụ cho sinh hoạt của người dân, công ty đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp khai thác và bảo vệ nguồn nước có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, công ty thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống đường ống dẫn để tránh thất thoát nước; tăng cường ứng dụng công nghệ – thông tin vào quản lý, giám sát chất lượng nước; sử dụng hệ thống mạng giám sát từ xa, qua đó, người điều hành có thể quản lý được các chỉ số quan trọng như: các chỉ tiêu vi sinh, lưu lượng nước đầu vào, độ đục…, từ đó, đưa ra cảnh báo khi có sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện công ty có 12 trạm bơm nước ngầm, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận với công suất khai thác đạt 12.500 m3/ngày, đêm. Ngoài ra, công ty còn có các giếng khoan phục vụ cấp nước cho khu dân cư khu vực thị trấn Chi Lăng và thị trấn Bắc Sơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác nước ngầm của đơn vị đạt trên 4,4 triệu mét khối; tỷ lệ tổn thất nguồn nước hiện còn 30%, giảm khoảng 5% so cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh công tác quản lý của các đơn vị được cấp phép khai thác, hiện nay, ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc hành nghề khoan lấy nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Ông Nguyễn Bảo Ngọc, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi làm nghề khoan giếng đã nhiều năm nay. Theo quy định, cá nhân, tổ chức khi hành nghề khoan nước dưới đất phải có giấy phép, theo đó, tháng 4/2015, tôi đã chủ động hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ theo quy định để xin giấy phép hành nghề.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 58 trạm bơm nước ngầm, giếng khoan cấp nước với tổng lưu lượng nước được cấp giấy phép khai thác là 24.408 m3/ngày, đêm; chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đảm bảo phục vụ cho mục đích sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để bảo vệ, quản lý và khai thác nguồn nước dưới đất bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt điều chỉnh danh mục vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; quản lý, bảo vệ và khai thác các công trình giếng khoan trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, công tác cấp phép khai thác tài nguyên nước ngầm được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 30 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp 47 giấy phép khai thác nước ngầm. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 8 giấy phép khai thác nước ngầm được cấp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Ông Lương Văn Nhất, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: Để tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước ngầm, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo sở thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đã tham mưu sở trình UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT ưu tiên thực hiện điều tra, tìm kiếm tài nguyên nước cho một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 32 giếng khoan thăm dò, tìm kiếm nguồn nước ngầm được nghiệm thu và bàn giao hồ sơ, công trình cho địa phương quản lý, bảo vệ. Các giếng khoan này cấp nước sinh hoạt với lưu lượng và chất lượng nước đảm bảo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nước hợp vệ sinh, cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho người dân.
Với sự tích cực của ngành chức năng và sự chủ động của các đơn vị quản lý, khai thác, tin tưởng rằng thời gian tới, công tác khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói chung, nguồn nước ngầm nói riêng trên địa bàn sẽ ngày càng hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ cho các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.