Quản lý khai thác khoáng sản - Bài cuối: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường là hai lĩnh vực luôn đối nghịch với nhau bởi đã khai thác khoáng sản thì không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, việc giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường khi khai thác khoáng sản là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm…
Để đạt được mục đích cả về lợi ích kinh tế lẫn bảo vệ môi trường, ngoài việc thực hiện theo pháp luật, cụ thể là Luật Tài nguyên môi trường thì các nhà đầu tư, các đơn vị khai thác khoáng sản cần nghiêm túc thực hiện, chú trọng đầu tư về công nghệ khai thác nhằm bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản bền vững.
An toàn lao động khai thác mỏ
Đánh giá về sự cố sạt lở cát tại khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng Hội địa chất Việt Nam cho rằng việc khai thác quặng titan ở mỏ Nam Suối Nhum được thực hiện trên diện tích lớn, bề dày tầng cát chứa quặng gần 30 m, hàm lượng quặng khoảng 0,7 - 0,8%.
Như vậy, khối lượng cát thải là rất lớn và việc sử dụng bãi thải tạm thời là phù hợp. Nếu cát thải được thường xuyên bơm lấp vào nơi đã khai thác trước đó thì sẽ đảm bảo an toàn mỏ và thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bãi thải đã chất đầy thì tạo nguy cơ sạt lở cao tương tự các vụ sạt lở bãi thải ở các mỏ than. Nếu có mưa mà vẫn tiếp tục bơm cát thải lên bãi thải tạm thời thì nguy cơ càng cao. Mặt khác, việc bơm cát thải từ bãi thải tạm thời vào vị trí đã khai thác (cách 400 m) lại được thực hiện ở chân bãi thải càng nguy hiểm do làm “mất chân” bãi thải (tương tự như việc hút cát gần bờ sông có thể gây sập bờ sông).
Nếu chúng ta tuân thủ việc cân bằng khối lượng cát thải tại bãi thải tạm thời và bơm cát từ bãi thải tạm thời vào các vị trí khai thác trước đó thì sẽ tạo ra sự an toàn cho khai thác mỏ và thực hiện việc hoàn thổ kịp thời.
Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa kiến nghị, trong thời gian tới Nhà nước nên có thêm nhiều chính sách ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc khai thác khoáng sản. Nhà nước cần khuyến khích triển khai thực hiện việc quản lý theo hướng khai thác xanh, khai thác khoáng sản tuần hoàn. Đối với các dự án đang làm chậm, phải có phương án dự phòng bổ sung.
Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và cần có đánh giá thực tế về trữ lượng khoáng sản, tăng cường xúc tiến đầu tư về đá hoa để doanh nghiệp có cơ hội học tập trao đổi.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Chuyên gia tư vấn độc lập đề xuất việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường, cần có đánh giá thực tế về trữ lượng khoáng sản, tăng cường xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp có cơ hội học tập trao đổi.
Trồng cây năng lượng phục hồi môi trường
Tại Việt Nam, với khoảng 4.000 điểm khai thác trên toàn quốc, việc khai thác lộ thiên đã và đang để lại những bãi thải là “đất sau khai thác”. Đất trồng trọt ngày càng trở nên khan hiếm, do vậy một lựa chọn phù hợp là thúc đẩy trồng cây năng lượng ở những bãi thải mỏ sau khai thác.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: Các bãi thải mỏ hầu hết là những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, đất trống nên việc đưa cây năng lượng vào đó sẽ giúp mở rộng diện tích trồng cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí nhà kính.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại cây trồng năng lượng góp phần nâng cao giá trị kinh tế khu vực bãi thải mỏ bằng cách tạo nguồn năng lượng mới như: khí sinh học, nhiên liệu sinh học để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện… và tạo nguồn thức ăn chủ động cho gia súc trong điều kiện đất canh tác có hạn.
Việc trồng thử nghiệm cho thấy, một số loại cây trồng đã thể hiện tiềm năng sinh trưởng như cỏ VA06, keo lai Australia, sắn xen với đậu xanh, keo xen với cốt khí. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng và năng suất sinh khối của các loại cây cũng dao động lớn, phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học của khu vực bãi thải.
Là cán bộ thuộc một trong những đơn vị thực hiện dự án trồng cây năng lượng trong cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), ông Trương Thế Mạnh, Trưởng phòng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững Công ty Núi Pháo chia sẻ, giai đoạn 1 (từ năm 2016 - 2018), Công ty đề ra mục tiêu tìm ra loại cây phù hợp để trồng cải tạo đất, phủ xanh chống xói mòn, phục vụ quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của đơn vị; nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng sinh học nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2 (2020-2022), Công ty đặt mục tiêu nghiên cứu khả năng phục hồi, cải tạo đất khu vực đã trồng cây năng lượng trong giai đoạn 1; tính toán sinh khối của cây keo lai sau khi thu hoạch vào năm 2022. Theo đó, khu vực chứa đất đá thải trong quá trình xây dựng sau đó sẽ được phủ lớp đất mặt dầy khoảng 0,5 m để trồng cây.
Trước khi trồng thử nghiệm, Công ty lấy mẫu để phân tích hàm lượng kim loại nặng và dinh dưỡng của đất; tính đa dạng sinh học; chất lượng đất và sinh khối của cây keo lai và cỏ VA 06. Kết quả cây keo lai và cỏ VA 06 rất phù hợp với đất mỏ, có tác dụng chống xói mòn tốt: sinh trưởng nhanh; bộ rễ phát triển (50-80cm).
Có thể thấy rằng để phục hồi môi trường sau khai thác một cách có hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo; đồng thời cần có tham vấn ý kiến cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.