Quản lý khủng hoảng và quản trị quốc gia của Singapore trong đại dịch
Được coi là một điểm sáng về thành công duy trì phát triển kinh tế và kiềm chế sự lây lan của Covid-19, cách Singapore quản lý khủng hoảng và quản trị quốc gia là bài học đáng học hỏi cho nhiều nước trong khu vực.
Phản ứng kịp thời
Là đất nước có ngành du lịch phát triển cao, là điểm trung chuyển về đường không và đường biển của cả thế giới, nên Singapore có rủi ro cũng khá cao về lây nhiễm dịch bệnh vì độ phát tán nhanh.
Tôi từng chứng kiến khủng hoảng do hội chứng suy hô hấp cấp nặng SARS (2003), dịch cúm H5N1 (2009) và đến nay là đại dịch Covid-19 tại Singapore. Năng lực xử lý khủng hoảng, nhất là dịch bệnh, của Singapore là tích lũy của nhiều lần xử lý thành công các khủng hoảng trước đó.
Trung tâm xử lý khủng hoảng của Singapore có tên là HCEG, thành lập từ 1974, do một thứ trưởng Bộ Nội vụ lãnh đạo, có thành viên là cán bộ cao cấp của các bộ, ngành, nhằm thống nhất và huy động các nguồn lực cần thiết được nhanh chóng. Trung tâm điều hành này là thống nhất.
HCEG xây dựng một bộ quy tắc và chuẩn chung để đối phó với khủng hoảng. Ngay sau dịch SARS rồi H5N1, cơ quan này xây dựng một bộ khung về ứng phó bùng phát dịch bệnh (Disease Outbreak Response System Condition - DORSCON) cho hệ thống y tế lẫn cho công chúng. Có 4 cấp độ của DORSCON tương ứng với độ trầm trọng của dịch để toàn xã hội, hệ thống y tế, khu vực tư nhân và các cơ quan công quyền phản ứng.
HCEG luôn nhạy bén và phản ứng rất kịp thời. Ngày 31/12/2019, các ca cúm nặng ở Vũ Hán, Trung Quốc được báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày 3/1/2020, tức là 3 ngày sau, Bộ Y tế Singapore đã soi quét khách du lịch đến từ Vũ Hán. Ngày 20/1, Singapore cách ly các khách du lịch có triệu chứng cúm từng ở Vũ Hán trong 14 ngày trước đó. Ngày 22/1, Ban chỉ đạo liên bộ (multi-ministry task force) được thành lập. Ngày hôm sau, phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Singapore.
Cũng do tình hình phát triển thực tế của dịch và kết quả chống dịch thay đổi, tham chiếu vào cấp độ trong DORSCON mà ta thấy Singapore từng áp dụng khá linh hoạt, không cứng nhắc các biện pháp giãn cách xã hội, ví dụ ở mức cao (tháng 4/2020), rồi nới lỏng (tháng 12/2020), sau đó lại siết chặt (tháng 7/2021).
Đến hết quý 1/2020, Singapore được cho là đã kiểm soát tốt đợt bùng phát ban đầu của Covid-19, các ca lây nhiễm mới thấp và chưa có bệnh nhân tử vong.
Tất nhiên, việc phối hợp trơn tru, hiệu quả, thống nhất giữa các cơ quan chức năng là chìa khóa cho thành công trong xử lý khủng hoảng từ dịch bệnh.
Phối hợp thống nhất, trơn tru
Singapore cũng rất nhanh chóng phân công trách nhiệm các cơ quan trong Ban chỉ đạo liên bộ (MTF) ngay từ tháng 1/2020. Nhiệm vụ của MTF là đảm bảo an toàn sinh mạng và duy trì sinh kế của người dân. Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Y tế, Công thương… phối hợp tạo ra nhiều tuyến phòng thủ, giảm và ngăn chặn nguồn lây do nhập cảnh và lây lan trong cộng đồng.
Việc huy động các lực lượng vũ trang cùng tham gia truy vết người nhiễm bệnh với Bộ Y tế và cung ứng vật tư y tế cho dân, ngay từ ban đầu, đã góp phần giảm tải gánh nặng cho các y bác sĩ. Đây là điều khá quan trọng, giữ cho tuyến y tế là tuyến phòng vệ cuối cùng, thay vì đẩy các y bác sỹ ra trận, kiệt sức và tổn thất ngay từ ban đầu.
Bộ Tài chính và Công thương đưa ra các gói hỗ trợ tài chính rất nhanh, thủ tục đơn giản. Họ áp dụng chính sách “helicopter drop”, một khái niệm của kinh tế gia người Mỹ Milton Friedman nhằm chuyển tiền ứng cứu tới người dân nhanh nhất. Công ty của chúng tôi cũng như hơn 300.000 công ty Singapore khác, nhận được tiền hỗ trợ rất nhanh và thuận tiện. Tuy có một số trường hợp lạm dụng, lừa đảo nhận tiền sau này được phát hiện ra, hay chính phủ phát nhầm địa chỉ… nhưng về đại cục, các gói hỗ trợ này phát huy hiệu quả rất tốt, ngăn được sự đứt gãy nền kinh tế hay chuỗi cung ứng sản xuất.
Singapore sử dụng công nghệ thông tin rất hiệu quả trong phòng chống dịch và đây là công của các “bộ não” như A*Star và Govtech. Những phát minh của các cơ quan này như công nghệ truy vết TraceTogether, hay quản lý dữ liệu tiêm chủng… đang được khá nhiều quốc gia học tập. Ở Việt Nam chưa áp dụng thống nhất các công cụ truy vết hay quản lý dữ liệu, các cơ quan khác nhau sử dụng các công cụ riêng, dẫn đến lãng phí.
Công tác thông tin trong phòng chống dịch đã được thực hiện khá hiệu quả, do tính minh bạch, kịp thời và khoa học. Người dân Singapore đạt được mức tiêm chủng cao như hiện tại (80%) một phần lớn do có thông tin đầy đủ về hiệu quả của vắc xin, về tác dụng phụ của nó v.v... khiến họ có đủ độ tin cậy vào quyết định của mình.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, phải kể đến việc Ban chỉ đạo liên bộ đã làm rất tốt, là tìm kiếm và sở hữu được vắc xin tiêm chủng Covid-19 từ sớm.
Chiến lược vắc xin từ rất sớm
Tiêm chủng vốn vẫn là giải pháp lâu dài, bền vững cho nhiều loại dịch bệnh, hướng tới miễn dịch cộng đồng.
Vào tháng 1/2020, Singapore phát hiện ra ca Covid-19 đầu tiên và ngay lập tức, từ kinh nghiệm xử lý dịch SARS và H5N1 trước đó, chính phủ Singapore, qua MTF yêu cầu Bộ Y tế (chuyên môn y tế), Ủy ban phát triển kinh tế EDB (xử lý nguồn tài chính), A* Star (cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu) cùng sự tham gia của khu vực tư nhân lập ra Ban chỉ đạo (TXvax Panel) đi tìm vắc xin.
Mặc dù chưa biết dịch Covid-19 sẽ lan rộng ra sao, nguy hiểm thế nào nhưng chiến lược đúng đắn của Singapore ngay từ đầu tiên là phải có vắc xin và phải tiêm chủng cho toàn dân, nhanh nhất, sớm nhất.
Đến tháng 4/2020, TXvax tìm ra và chốt danh sách 35 cơ sở có tiềm năng sản xuất và cung cấp vắc xin, trong đó có Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sinovac...
Vì chưa có tiền lệ, chưa có cơ sở đảm bảo rằng các vắc xin được chế tạo sẽ thành công, nên quyết định đầu tư của Ban này dựa trên 2 nguyên tắc: Nhà sản xuất nào sẽ đưa ra sản phẩm nhanh nhất, và công nghệ nào an toàn nhất.
Ủy ban liên bộ chỉ đạo Bộ Y tế thảo luận với hãng dược về các điều kiện y tế, Ủy ban phát triển kinh tế (EDB) đàm phán về điều kiện thương mại, trong lúc đó cơ quan quản lý cấp phép rút gọn thời gian duyệt lưu hành và sử dụng vắc xin.
Trong khi các kho, các hãng hàng không khác trong khu vực chưa nhận ra cơ hội về tiếp vận hậu cần (logistics) đến từ việc tiêm chủng Covid-19, thì Singapore Airlines đã nắm trước cơ hội, chuyển đổi công năng máy bay, xây sẵn kho lạnh ở sân bay Changi để làm trung chuyển vắc xin cho toàn khu vực. Máy bay của Singapore thậm chí còn lấy được phép đỗ ngay ở sân bay gần nhất nơi sản xuất vắc xin để có thể lấy hàng nhanh.
Tháng 12/2020, tức là 11 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Singapore đưa được vắc xin Pfizer về nước, là nước sớm nhất ở châu Á sở hữu và tiêm chủng vắc xin cho dân chúng.
Mạnh tay chi ra hơn 1 tỷ đô la đầu tư cho vắc xin, Singapore đã có cơ hội tiêm phòng cho toàn dân, hạn chế thiệt hại sinh mạng, có cơ hội mở cửa sớm nền kinh tế. Ngoài ra, Singapore còn thu về kha khá tiền đầu tư từ các hãng dược và công nghệ sinh học do chuẩn bị cơ sở tiếp vận hậu cần tốt. Thermo Fisher, hãng công nghệ sinh học lớn nhất thế giới sẽ đầu tư gần 200 triệu đô la để mở cơ sở nghiên cứu tại Singapore. Hai hãng dược lớn là Pfizer và Modena cũng có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất vắc xin tại đảo quốc.
Khoa học - cơ sở cho các kịch bản chống Covid-19 và hậu Covid-19
Một điều cần ghi nhận trong các kịch bản chống dịch của Singapore là những người đưa ra quyết định đã tham vấn và căn cứ vào khuyến nghị từ giới khoa học và y học.
Lancet Regional Health, tạp chí y khoa có uy tín và lâu đời vào loại nhất trên thế giới được Bộ Y tế Singapore tài trợ nghiên cứu và khuyến nghị các kịch bản chống dịch và chiến lược thoát Covid-19 (exit strategies) cho Ủy ban liên bộ và chính phủ.
Các nghiên cứu của Lancet Regional Health về ảnh hưởng tâm lý xã hội đối với việc phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly, điều trị người bệnh có triệu chứng nhẹ ngoài bệnh viện, về việc đóng cửa trường học… được Ủy ban liên bộ cân nhắc áp dụng để giảm thiểu các hiệu quả tiêu cực khi phong tỏa và giãn cách xã hội lâu dài.
Dựa trên nghiên cứu và khuyến nghị khoa học của các tổ chức như Lancet Regional Health, Singapore đã xử lý thành công đợt bùng phát dịch tại khu lưu trú công nhân nước ngoài, hạn chế ảnh hưởng tối thiểu lên cộng đồng dân cư, bảo vệ được bệnh viện và hệ thống y tế, và quan trọng nhất, là cách sống chung với Covid-19.
Quản trị quốc gia trong đại dịch
Quản lý khủng hoảng là một phần quan trọng của quản trị quốc gia. Xử lý khủng hoảng thế nào, thành công hay không, phản ánh chính xác trình độ quản lý quốc gia của một chính quyền.
Sau hơn 1 năm suy thoái kinh tế, Singapore công bố tăng trưởng kinh tế quý 2/2021 là 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP cả năm dự báo từ 6-7%. Hệ thống y tế không bị quá tải, số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn ở mức vài chục ca mỗi ngày, mức rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Singapore chuẩn bị cho các bước mở cửa hoàn toàn nền kinh tế từ tháng 9/2021. Cho dù các kết quả đạt được chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng rất đáng ghi nhận so với tình hình trên thế giới.
Thuận lợi của Singapore đối với công tác quản lý khủng hoảng Covid-19 là do nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội và hệ thống vận hành hiệu quả, được Thủ tướng Lý Quang Diệu xây dựng và phát triển từ hồi lập quốc 1965.
Bên cạnh đó, trình độ phát triển dân trí của đảo quốc này, cùng với tính kỷ luật, tuân thủ pháp luật của người dân cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thành công trong xử lý khủng hoảng.
Hơn nữa, có những điểm đáng ghi nhận: Singapore đã điều hành một cách thực tế và chủ động. Nhiệm vụ của Ủy ban liên bộ về đảm bảo an toàn sinh mệnh và duy trì sinh kế của nhân dân đã được coi là hoàn thành. Nhiệm vụ bây giờ của họ là: Vượt lên mạnh mẽ hơn.
Michael Nguyễn Minh (Doanh nhân Singapore gốc Việt)