Quản lý Nhà nước lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn hạn chế
Trong năm 2019, Sở Y tế đã tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 76 cơ sở, có 17 cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 401.500.000 đồng, 8 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Các lỗi vi phạm chủ yếu là biển hiệu ghi chưa đúng quy định, quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, chỉ định dùng thuốc chưa an toàn hợp lý.
Đoàn kiểm tra của ngành y tế huyện Quảng Xương kiểm tra một cơ sở hành nghề dược tư nhân. Ảnh: Tô Hà
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác y tế, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển dịch vụ y tế. Hệ thống cơ sở hoạt động hành nghề y, dược tư nhân đã và đang phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng các loại hình hoạt động, phủ đều khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có 1.375 cơ sở hành nghề y, 2.961 cơ sở hành nghề dược tư nhân (không tính các tủ thuốc trạm y tế xã); trong đó có 16 bệnh viện tư nhân (10 bệnh viện đa khoa và 6 bệnh viện chuyên khoa với 2.920 giường bệnh, đang đề nghị Bộ Y tế tăng lên thành 3.010 giường bệnh); 59 phòng khám đa khoa, 774 phòng khám chuyên khoa... Nhiều cơ sở y dược tư nhân đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm quá tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân còn một số tồn tại, hạn chế, nhiều cơ sở hoạt động sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh. Ghi nhận của phóng viên hồi cuối tháng 10-2019, tại Phòng khám Đa khoa 90 (thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương) mỗi ngày tiếp nhận từ 80 đến 100 bệnh nhân tới khám bệnh. Phòng khám này đăng ký hoạt động tất cả các ngày trong tuần, cả trong và ngoài giờ hành chính với đầy đủ các chuyên khoa thế nhưng nhiều chuyên khoa tại phòng khám này không có bác sĩ trực. Còn tại Phòng khám Đa khoa 123, xã Quảng Lưu (Quảng Xương), phòng trực khám chuyên khoa sản không có bác sĩ trực theo quy định. Phòng nội soi thực quản - dạ dày: Các bồn rửa tay không bảo đảm vệ sinh nằm ngay cạnh bàn nội soi. Ngoài ra, dù không đăng ký hoạt động đối với chuyên khoa răng - hàm - mặt nhưng phòng khám này vẫn trưng biển quảng cáo nhiều dịch vụ về răng.
Trao đổi với ông Lê Văn Trưởng, Trưởng Phòng Y tế huyện Quảng Xương, được biết: Hiện nay, công tác quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện Quảng Xương còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở hoạt động sai quy định, vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép. 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng huyện và Sở Y tế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu dừng hoạt động 2 phòng khám không có giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính 2 cơ sở hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép. Một số vi phạm tại các phòng khám khác đã được nhắc nhở, song không ít phòng khám tư nhân tại huyện Quảng Xương vẫn tái phạm.
Khảo sát tại các địa phương trong tỉnh, có thể dễ nhận thấy những phòng khám không phép đều tọa lạc trên các trục đường chính, biển quảng cáo treo ngang nhiên và phô trương, ai cũng có thể thấy. Thế nhưng lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương lại buông lỏng quản lý, không phát hiện ra những phòng khám không phép này và có phát hiện thì cũng thiếu những giải pháp quyết liệt (chủ yếu là nhắc nhở, xử lý không nghiêm) để dẹp bỏ là nguyên nhân chính khiến các phòng khám không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo báo cáo của ngành y tế, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân; đồng thời tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07; tổ chức các buổi làm việc giữa lãnh đạo Sở Y tế với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố bàn các giải pháp phối hợp tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn các huyện: Thạch Thành, Yên Định, Nông Cống, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa. Lãnh đạo Sở Y tế cùng với lãnh đạo một số huyện (Nga Sơn, Tĩnh Gia) đã đi kiểm tra, xử lý, yêu cầu tháo dỡ biển hiệu, dừng hoạt động một số cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2019, Sở Y tế đã tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 76 cơ sở, có 17 cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 401.500.000 đồng, 8 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Các lỗi vi phạm chủ yếu là biển hiệu ghi chưa đúng quy định, quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, chỉ định dùng thuốc chưa an toàn hợp lý; không thực hiện đúng các quy định về điều kiện bảo quản thuốc; chưa thực hiện nghiêm về thực hành thao tác chuẩn; chưa niêm yết đầy đủ giá thuốc; sắp xếp tủ, quầy thuốc còn lộn xộn, còn để lẫn thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; chưa thực hiện nghiêm về quy định bán thuốc theo đơn, chưa thực hiện đầy đủ theo quy định về cập nhật thông tin thuốc vào dữ liệu dược quốc gia; người phụ trách chuyên môn vắng mặt nhưng cơ sở vẫn hoạt động, một số cơ sở hành nghề khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động những vẫn hành nghề. Tuy chưa xảy ra những tai biến chết người, tàn phế như một số địa phương khác nhưng những tồn tại này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo, gây dư luận không tốt trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
Nguyên nhân được ngành chỉ ra là số lượng cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập nhiều, bao phủ rộng; nhân lực thực hiện nhiệm vụ tham mưu về quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân còn thiếu (tại Sở Y tế: Thanh tra có 3 cán bộ; phòng quản lý hành nghề y, dược tư nhân có 5 cán bộ; tại các huyện, thị xã, thành phố phần lớn phòng y tế chỉ có 1 cán bộ; tại một số huyện phòng y tế không bố trí cán bộ, như: TP Sầm Sơn, huyện Nga Sơn, Yên Định). Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, chưa đa dạng các loại hình tuyên truyền; công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân ở một số huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm; chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; công tác phối hợp giữa các ngành, các đơn vị trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đạt kết quả chưa cao; chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập...
Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền trong công tác quản lý lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân. Thế nhưng, dường như các địa phương vẫn “bất lực” trước “sự vô tư” hoạt động của các phòng khám không phép. Vẫn còn tình trạng một số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vẫn đang hoạt động ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các cơ sở hành nghề đã được cấp giấy phép hoạt động còn vi phạm một số quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân... dù hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng đã được thực hiện, các phòng khám không phép sau khi bị kiểm tra vẫn hoạt động; phòng khám không phép mới thì tiếp tục “mọc” lên.