Quản lý, phát triển thị trường trong nước: Không còn hỗ trợ, phải dẫn dắt

Đó là yêu cầu ông Trần Hữu Linh đưa ra trong Hội nghị công chức, người lao động năm 2025 của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.

4 trọng tâm phát triển thị trường nội địa

Trong Hội nghị công chức, người lao động năm 2025 của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Cục trưởng Trần Hữu Linh đã nhấn mạnh đến 4 trọng tâm, then chốt để phát triển thị trường nội địa, như: Hoàn thiện chính sách pháp luật; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; tăng cường giám sát thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng thương mại.

Trong đó, Cục trưởng Trần Hữu Linh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện chính sách - pháp luật. Đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi sự kiên trì, bài bản do khối lượng công việc lớn và yêu cầu cao về chuyên môn. Tuy nhiên, theo ông Linh, hiện nay là thời điểm thuận lợi để xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và dài hạn của thị trường nội địa.

Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh đến 4 trọng tâm, then chốt để phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Quyên Lưu

Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh đến 4 trọng tâm, then chốt để phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Quyên Lưu

Cũng theo ông Linh, hiện nay hệ thống chính sách phát triển thị trường nội địa đã khá đầy đủ, tuy nhiên trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung: Chiến lược phát triển thị trường trong nước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn phân loại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tiêu chuẩn cho trung tâm logistics; quy định về ghi nhãn “Made in Vietnam”; cơ chế nhượng quyền thương mại; và báo cáo thị trường trong nước thường niên. Đặc biệt, các chính sách này cần được rà soát, cập nhật kịp thời để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu mới của thị trường.

Cùng đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình không cần thiết và ban hành các chính sách mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý và phát triển thị trường.

Về hạ tầng thương mại, Cục đặt ưu tiên vào việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, phát triển mô hình outlet (trực tuyến và trực tiếp), kho bãi và trung tâm logistics. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chuỗi cung ứng liền mạch và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Đổi mới tư duy - đa dạng hóa phương thức triển khai

Theo Cục trưởng Trần Hữu Linh, để các chương trình phát triển thị trường thực sự hiệu quả, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ bị động sang chủ động, từ thực hiện sang dẫn dắt.

Trong thời gian tới, Cục sẽ chủ trì định hướng các chương trình lớn như: phát triển thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng hạ tầng thương mại khu vực biên giới; chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản; chương trình OCOP; bảo đảm an toàn thực phẩm; vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các chương trình khuyến mại định kỳ, kích cầu tiêu dùng...

Không những vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường trong giai đoạn mới, cần đa dạng hóa các hoạt động thông qua tổ chức hội nghị, đào tạo, tập huấn, đẩy mạnh truyền thông và trưng bày hàng hóa.

 Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị công chức, người lao động trong Cục cần phát huy vai trò chủ công, phát huy tinh thần dẫn dắt - tiên phong trong quản lý và phát triển thị trường nội địa

Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị công chức, người lao động trong Cục cần phát huy vai trò chủ công, phát huy tinh thần dẫn dắt - tiên phong trong quản lý và phát triển thị trường nội địa

Đáng chú ý, Cục đang nỗ lực phát huy vai trò của Phòng trưng bày sản phẩm tại số 62 Tràng Tiền (Hà Nội), với mục tiêu xây dựng nơi đây thành địa điểm giới thiệu sản phẩm hàng Việt được du khách và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Trong xu thế chuyển đổi số, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước xác định thương mại điện tử là mũi nhọn, do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, và triển khai sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho tiêu thụ nông sản.

Song song đó, Tổ điều hành thị trường trong nước tiếp tục được duy trì để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá, và theo dõi sát diễn biến thị trường. Cục cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng AI - công nghệ cao phục vụ ra quyết định điều hành nhanh chóng, chính xác.

Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, năm 2025 Cục đặt mục tiêu triển khai 100 cuộc kiểm tra độc lập.

Đối với công tác quản lý thị trường, tập trung vào việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng nghiệp vụ, tăng chất lượng tham mưu và tính chủ động trong xử lý.

“Phải có những giải pháp đột phá, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến” - Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh và yêu cầu toàn đơn vị cần phát huy tinh thần dẫn dắt - tiên phong, nâng cao chất lượng tham mưu, hành động chủ động - kịp thời - trách nhiệm, vì việc chung và vì tập thể.

Trong quý I/2025, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Kết quả, thống kê từ ngày 16/12/2024 đến ngày 15/3/2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 6.198 vụ, xử lý 5.619 hành vi vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 79 tỷ đồng.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-khong-con-ho-tro-phai-dan-dat-383396.html