Quản lý, phát triển và vận hành an toàn thủy điện nhỏ

Với mục tiêu phát triển thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, bền vững, gắn với quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng, những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đầu tư và vận hành các thủy điện nhỏ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Thủy điện Nậm Công 3, xã Huổi Một, huyện Sông Mã.

Thủy điện Nậm Công 3, xã Huổi Một, huyện Sông Mã.

Theo thông tin của Sở Công Thương, đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 76 thủy điện nhỏ được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất trên 900 MW, trong đó, 65 dự án được cấp chủ trương đầu tư và đã có 56 dự án hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia, 5 dự án đang triển khai xây dựng, 4 dự án đang ở giai đoạn lập dự án, chuẩn bị đầu tư. Sản lượng điện hàng năm của các thủy điện nhỏ đạt khoảng 2 tỷ MWh, chiếm khoảng 16,4% tổng sản lượng điện của tỉnh, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 2.600 tỷ đồng. Hàng năm, các thủy điện nhỏ chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng khoảng 70 tỷ đồng.

Quá trình phát triển thủy điện nhỏ, tỉnh đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 1.679 ha đất để giao đất, cho thuê đất với 58/65 thủy điện, tổng số hơn 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi, đền bù đất, ảnh hưởng 237 ha rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến nay, các chủ đầu tư đã trồng rừng thay thế được gần 207 ha, song chất lượng rừng trồng thay thế còn có mặt hạn chế.

Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở một số dự án thủy điện chưa xác định đầy đủ ảnh hưởng của dự án đến các công trình hạ tầng và tốc độ bồi lắng lòng hồ... dẫn đến có những phát sinh, bất cập, khi đi vào vận hành mới phát hiện, khó khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hiệu quả dự án. Thậm chí, một số thủy điện lòng hồ bồi lắng không còn đủ dung tích để điều tiết nước phát điện nên chủ đầu tư tự ý cơi nới đập, như: Nậm Công 4, Nậm Sọi, Pá Chiến... gây nguy cơ mất an toàn đập. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, nhất là duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập làm khô cạn dòng suối, như cụm thủy điện trên suối Nậm Công, To Buông, cụm suối Lừm, suối Sập 2...

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngay khi phát hiện xảy ra các vi phạm trên, cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc duy trì dòng chảy tối thiểu, đảm bảo an toàn đập. Đến nay, một số chủ đầu tư đang tập trung xử lý các tồn tại.

Chủ trương chung của tỉnh là đầu tư, vận hành các thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, bền vững, ổn định. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thủy điện trong cùng lưu vực, các bậc thang thủy điện trên cùng một dòng chảy; hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng dự án thủy điện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch; quản lý, giám sát về đầu tư xây dựng; kiểm tra, thanh tra trong quá trình vận hành; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục dứt điểm hạn chế của các thủy điện nhỏ. Tạo sự công bằng, minh bạch trong quản lý thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng để phát triển vốn rừng, kinh tế rừng tạo nguồn sinh thủy, góp phần khai thác bền vững các thủy điện.

Khắc phục những tồn tại, phát triển thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, bền vững, gắn với quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về quản lý thủy điện nhỏ; Quy chế phối hợp quản lý các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn.

Trọng tâm là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch đối với các thủy điện tiềm năng phù hợp với quy định và chỉ đạo của Bộ Công Thương; nâng cao chất lượng công tác thẩm định quy hoạch, thẩm tra thiết kế các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, việc thực hiện các quy trình, đảm bảo an toàn, phòng chống lụt bão đối với các công trình thủy điện đang vận hành; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, điều chỉnh dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tham mưu với UBND tỉnh tổ chức họp tư vấn liên ngành xem xét hồ sơ trước khi thực hiện quy trình trình cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương, phê duyệt theo quy định; ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện kiểm đếm, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất chiếm dụng của các nhà máy thủy điện; phối hợp với chủ đầu tư các thủy điện nhỏ làm tốt công tác trồng bù rừng, nhất là trên các lưu vực sinh thủy trực tiếp của các thủy điện thực hiện ký Quỹ bảo vệ phát triển rừng; thực hiện công khai minh bạch việc sử dụng quỹ dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án tín chỉ các bon rừng, tạo nguồn thu ổn định cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Chủ đầu tư thủy điện nhỏ cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan, đề xuất kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án, vận hành các công trình thủy điện nhỏ. Chấp hành tốt, thực hiện kịp thời nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các địa phương thực hiện công tác an sinh, xã hội vùng dự án. Phối hợp cơ quan quản lý đề xuất bổ sung quy hoạch, đầu tư các thủy điện nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các nguồn điện mới như điện gió, điện mặt trời theo quy định.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-phat-trien-va-van-hanh-an-toan-thuy-dien-nho-53116