Quản lý quy hoạch phù hợp cho nông thôn
Những bất cập trong quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội có một phần nguyên nhân xuất phát từ sự buông lỏng quản lý trong thời gian qua. Để khắc phục, các chuyên gia, cơ quan chức năng đã đề xuất mô hình quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại 17 huyện theo phân nhóm vị trí và mật độ dân số phù hợp.
Nhiều bất cập trong quản lý
Quốc Oai là huyện thuộc khu vực phía Tây thành phố Hà Nội. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng cho biết, việc quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đối với các dự án đầu tư xây dựng tập trung trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, với toàn địa bàn, công cụ quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan còn thiếu, cụ thể là chưa phủ kín quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc của huyện.
Tương tự, dù Đông Anh là huyện đi đầu trong việc lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị của thành phố nhưng theo nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, trong quản lý quy hoạch vẫn nảy sinh một số bất cập, như tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng hay xây dựng không theo quy hoạch. Một số đồ án quy hoạch chưa sát với thực tế địa phương, chất lượng còn hạn chế. Dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển.
Những bất cập trong quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan không chỉ có ở hai huyện nêu trên mà đang tồn tại phổ biến tại 17 huyện của thành phố. Kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) nêu thực trạng, dù đã phủ kín các quy hoạch chung xây dựng xã, song việc quản lý xây dựng tại khu vực điểm dân cư nông thôn chưa chặt chẽ, dẫn đến bất cập, lộn xộn.
“Ngoài ra, việc bảo tồn kiến trúc cảnh quan, di sản cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa ở nông thôn còn chưa được quan tâm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa phù hợp với thực tiễn. Việc quản lý sau quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch không được tập trung đúng mức, thiếu rà soát, đánh giá toàn diện…”, ông Lã Hồng Sơn nêu.
Kỳ vọng ở khung quản lý mới
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu quản lý kiến trúc cảnh quan các huyện của Hà Nội hướng đến nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện điều kiện sống và phù hợp với quá trình đô thị hóa là vấn đề cấp bách. Giải pháp là việc quản lý kiến trúc cảnh quan cần được chia theo các vùng cảnh quan. Về tổng thể, có thể phân ra 2 khu vực chính. Khu vực ven đô bao gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì - là những huyện giáp với các quận và chuẩn bị lên quận. Khu vực ngoại thành, bao gồm 11 huyện còn lại, được phân chia thành 3 dạng địa hình cơ bản là đồng bằng, trung du và đồi núi thấp và vùng núi. Tương ứng với mỗi khu vực cần có những quy định khác nhau về quản lý kiến trúc cảnh quan.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận xét, nội dung phân bố dân cư nông thôn cũng hết sức quan trọng, bởi với đặc thù bố trí các điểm dân cư cũ đang phân tán dạng "xôi đỗ", còn ít mảnh đất nông nghiệp lớn nên việc kiểm soát sự mở rộng của các điểm dân cư là rất cần thiết, tránh sự phát triển tràn lan, làm manh mún, chia cắt đồng ruộng.
Nhấn mạnh vai trò và giá trị đặc biệt đối với các vùng có đặc trưng văn hóa và cảnh quan bản địa, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan trong xu thế đô thị hóa và dựa trên kế hoạch phát triển đô thị của thành phố.
Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, Kiến trúc sư Lã Hồng Sơn cho biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang triển khai đề tài khoa học cấp thành phố “Thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội”. Sau hơn 2 năm nghiên cứu kỹ lưỡng, đề tài đã đề xuất các định hướng, giải pháp, mô hình quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại 17 huyện theo phân nhóm vị trí và mật độ dân số.
Từ công trình nghiên cứu này, các huyện đều kỳ vọng sẽ được cung cấp những căn cứ thực tiễn, pháp lý quan trọng liên quan đến nội dung quản lý lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, vốn đang tồn tại nhiều bất cập. Ở phạm vi bao quát hơn, các nội dung về quản lý quy hoạch còn đóng góp quan trọng vào nội dung nghiên cứu lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” trong thời gian tới.