Quản lý quy hoạch: Tạo tiền đề cho phát triển đô thị bền vững
Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Từ đó, đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch xây dựng TP Sầm Sơn trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, tạo cơ sở để phát triển đô thị Sầm Sơn theo hướng hiện đại.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
Để tạo tiền đề nhằm phát triển đô thị Sầm Sơn theo hướng hiện đại, những năm qua, công tác quy hoạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch xây dựng được TP Sầm Sơn hết sức quan tâm. Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các quy hoạch; tính khớp nối trong liên kết vùng, nhất là trục đô thị TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về quy hoạch, lấy quy hoạch là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở cho việc đầu tư ngày càng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2016-2022, trên địa bàn TP Sầm Sơn có 56 đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có 1 quy hoạch chung xây dựng TP Sầm Sơn đến năm 2040, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2525/QĐ-UBND ngày 17-7-2017 (tổng diện tích quy hoạch 4.495,2 ha, bao gồm toàn bộ diện tích thành phố); 4 quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, với tổng diện tích lập quy hoạch 2.867,95 ha; 3 quy hoạch phân khu đang hoàn thiện trình duyệt; 1 quy hoạch phân khu thuộc khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia (lập quy hoạch di tích theo Luật Di sản). Ngoài ra, có 50 quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, với tổng diện tích được phê duyệt 2.025,41 ha...
Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng được TP Sầm Sơn chú trọng, đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo đó, các công trình kiến trúc cảnh quan trong khu vực quy hoạch khi xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp phải phù hợp với đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ giấy phép quy hoạch, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan đặc thù trong khu vực quy hoạch được xác định trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và bảo đảm việc phát triển bền vững của môi trường tự nhiên.
Đối với các công trình có ý nghĩa quan trọng, mang tính điểm nhấn, biểu tượng, thành phố tổ chức thi để lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng. Điển hình phải kể đến các công trình như Trung tâm hành chính thành phố; Khu lưu niệm đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc; Trung tâm thương mại thành phố; Trung tâm văn hóa thành phố... Không gian kiến trúc cảnh quan được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất, hài hòa, tương thích với chức năng của các công trình, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đô thị.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được thành phố quán triệt và triển khai sâu rộng; công tác cấp giấy phép xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố được chấn chỉnh. Quản lý và sử dụng đất đô thị gắn liền với quy hoạch xây dựng được thực hiện chặt chẽ, thông qua việc tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư theo chức năng sử dụng đất của đồ án quy hoạch, tăng cường kiểm tra thực hiện quy hoạch xây dựng và trong công tác cấp giấy phép xây dựng. Quản lý xây dựng hệ thống công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị được thực hiện theo quy hoạch. Theo đó, quỹ đất dành cho xây dựng các công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn TP Sầm Sơn chủ yếu gắn liền với hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hào kỹ thuật, hệ thống ngầm đường dây... luôn được xác định trong công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn liền với các đồ án quy hoạch đô thị. Tất cả các tuyến đường dây cấp điện, nước, viễn thông mới đều được xây dựng ngầm theo quy hoạch; đối với các tuyến hiện có, khi triển khai nâng cấp, cải tạo đã được chuyển sang đầu tư ngầm hóa theo quy hoạch dọc các tuyến đường đô thị.
Với định hướng phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại, công tác quản lý xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với các đô thị và khu đô thị mới được thành phố đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức đầu tư các khu đô thị mới để bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xây dựng mới luôn chú trọng sự kết nối đồng bộ với các dự án, hạ tầng hiện có lân cận; đầu tư mới hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại I. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố đã đầu tư nâng cấp, cải tạo theo kế hoạch đầu tư công việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông thoát nước, ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông, thu gom và xử lý rác thải trong các khu dân cư hiện hữu. Các dự án đầu tư cải tạo hoặc trong quá trình nghiên cứu, đầu tư kết nối giữa các khu vực đô thị cũ và các đô thị mới được chú trọng nhằm tổ chức đầu tư cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, từ năm 2016-2022, thành phố đã triển khai đầu tư 146 dự án thành phần nâng cấp hạ tầng trên toàn địa bàn, với tổng mức đầu tư 2.485 tỷ đồng...
Hướng đến tầm nhìn xa hơn
Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo đó, yêu cầu thành phố bám sát Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, khẩn trương lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2045, có tầm nhìn chiến lược và tính khả thi cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng các quy hoạch chi tiết bảo đảm khoa học, khả thi, tạo sự đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy hoạch và liên kết vùng.
Khẩn trương lập quy hoạch phát triển đô thị hai bên các tuyến đường chính để tạo điểm nhấn cho thành phố; bảo đảm phong cách kiến trúc của các khu đô thị mới ngay từ khi lập quy hoạch chi tiết. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về quy hoạch, làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nghiêm việc công khai các quy hoạch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, quyết định đầu tư vào thành phố. Tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch và quản lý kiến trúc đô thị; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm việc lấn chiếm, xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch.
Cùng với đó, phát triển 4 hành lang và 8 phân khu đô thị để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, 4 hành lang phát triển, bao gồm: Hành lang cộng đồng (các công trình công cộng, hành chính, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn); Hành lang lễ hội (không gian công cộng chính như: Quảng trường biển, các tuyến phố đi bộ, khu mua sắm, lễ hội ẩm thực, giao lưu văn hóa, chợ hải sản...); Hành lang Sông Đơ (khu đô thị du lịch sinh thái, trung tâm dịch vụ thương mại, công viên, khu vui chơi, giải trí hướng tới du lịch 4 mùa); Hành lang Đại lộ Nam Sông Mã (khu dịch vụ hỗn hợp, cảng thủy nội địa, cụm công nghiệp, khu phát triển R&D, chợ đầu mối).
Ngoài ra, 8 phân khu đô thị, bao gồm: Khu A - khu đô thị dọc bờ biển từ Sông Mã đến núi Trường Lệ, là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại và đô thị. Khu B - khu đô thị du lịch Nam Sầm Sơn, là trung tâm du lịch biển cao cấp với các khu vực nghỉ dưỡng chất lượng cao. Khu C - khu dịch vụ, du lịch sinh thái, tâm linh núi Trường Lệ. Khu D - theo bờ Nam Sông Mã, là khu vực phát triển du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí 4 mùa. Khu E - khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa ngành. Khu F - khu dân cư hiện trạng, dân cư đô thị mới. Khu G - trung tâm du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Khu H - khu trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố.
Có thể nói, công tác quy hoạch nói chung và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch, đã và đang tạo cơ sở cho việc đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, tạo điểm nhấn để tạo dựng diện mạo đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển. Đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn theo hướng hiện đại, bảo đảm liên kết hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị bền vững.