Quản lý sản xuất vàng trang sức có vai trò quan trọng
NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, cũng như phối hợp với NHNN thành phố trong công tác quản lý, cung cấp và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý, như: Cấp phép kinh doanh; chấp hành các quy định về đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm; công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất hoặc thuê gia công; chấp hành chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; doanh nghiệp phải thực hiện phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ...
Vì vậy, việc thực hiện công tác phối hợp trong hoạt động quản lý lĩnh vực này có vai trò quan trọng. Với ý nghĩa đó, để thực hiện tốt công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn, NHNN thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện công tác phối hợp với sở, ngành có liên quan trên địa bàn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; đồng thời truyền thông chính sách và trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan phục vụ cho công tác quản lý.
Tại sao sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ lại phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện?
Sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là vi phạm pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận phải đảm bảo các điều kiện về pháp lý của doanh nghiệp, có đăng ký sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, cũng như đáp ứng các quy định về địa điểm sản xuất và cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ với các quy định cụ thể về hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận (tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN và Thông tư 03/2017/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động vàng của Chính phủ).
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có một mục tiêu rất quan trọng là phát triển thị trường vàng trang sức mỹ nghệ hướng ra xuất khẩu thu ngoại tệ. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ không chỉ phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều nếu hoạt động này có sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, ở góc độ quản lý, cơ chế chính sách cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ kích thích hoạt động này phát triển theo xu hướng tích cực và góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường vàng.
Quá trình đó cũng đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, gia công; đổi mới phương thức quản lý và hoạt động công khai minh bạch, chuyên nghiệp và có nhiều sản phẩm đa dạng; chất lượng, mẫu mã đẹp và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống để tạo sự khác biệt và lợi thế so sánh… Đó là động lực thúc đẩy ngành kim hoàn phát triển, tạo ra và có nhiều sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ mang thương hiệu quốc gia và có giá trị xuất khẩu cao.