Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại công ty lâm nghiệp

Ngày 7/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tổ chức giám sát việc thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Yên Thế). Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi giám sát.

Quang cảnh buổi giám sát.

Cùng dự có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp.

Công ty Lâm nghiệp Yên Thế hiện có 40 cán bộ, công nhân viên, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hiện doanh nghiệp (DN) đang quản lý, sử dụng hơn 2,3 nghìn ha rừng sản xuất. Năng suất bình quân đạt 20 - 25m3/ha/năm. Doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 2,5 - 3 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 đạt 12 triệu đồng/người/tháng.

Đoàn ĐBQH khảo sát tại khu đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế bị tranh chấp tại bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu.

Đoàn ĐBQH khảo sát tại khu đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế bị tranh chấp tại bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu.

Hằng năm, Công ty có kế hoạch phân bổ sử dụng nguồn tài chính, lao động, tiền lương phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) và yêu cầu công việc để thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

DN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác bảo vệ đất lâm nghiệp của Công ty gặp rất nhiều khó khăn do có sự xúi giục khiếu kiện, tranh chiếm đất của người dân địa phương.

Trao đổi tại buổi giám sát, các ĐBQH tập trung vào 2 vấn đề là công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và quản lý đất rừng được Nhà nước giao.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Công ty làm rõ thêm về mối quan hệ lợi ích giữa DN và những người dân nhận thuê khoán trồng rừng; việc đầu tư nâng cao năng suất rừng để chế biến sâu và nâng cao giá trị gia tăng rừng trồng trong trường hợp Công ty đã giao khoán cho người dân.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị DN làm rõ hơn nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước trong 2 trường hợp giao đất và cho người dân thuê đất; xác định rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt trong việc góp vốn sản xuất.

Tại đây, ông Hoàng Văn Chúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trao đổi các vấn đề đại biểu quan tâm. Ông Chúc cho biết, hiện Công ty đang giao khoán 1,2 nghìn ha cho các hộ dân trong huyện Yên Thế. Còn lại 800 ha do cán bộ, công nhân của Công ty đang trực tiếp sản xuất. Lợi nhuận thâm canh rừng chủ yếu thuộc về người dân bởi sau chu kỳ giao khoán (8 năm), Công ty chỉ thu về 20 triệu đồng/ha.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận kết quả Công ty đạt được trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những khó khăn trong việc quản lý đất rừng của DN.

Đồng chí đề nghị thời gian tới, Công ty tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chú trọng bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế của DN với lợi ích về môi trường và xã hội, trong đó có lợi ích, sinh kế của người dân địa phương trong quá trình tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng.

Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Xây dựng Công ty không chỉ là đơn vị sản xuất, kinh doanh mà còn là trung tâm, địa chỉ tin cậy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về trồng, chăm sóc rừng.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phần vốn góp của Nhà nước; đẩy nhanh thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ theo cam kết thực hiện phần vốn góp của Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt.

Nghiên cứu đổi mới cơ cấu rừng trồng; quan tâm hơn việc trồng rừng gỗ lớn, đa dạng loài cây; tăng cường đầu tư chế biến sâu.

Trước hết, cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm khiếu kiện, tranh chấp đất rừng giữa Công ty với các hộ dân; không để kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động của DN cũng như tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trước đó, đoàn công tác đến thăm rừng sản xuất thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng; khu vực đất rừng bị lấn chiếm tại bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu và khu chế biến gỗ của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế.

Tin, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-hoi/381233/quan-ly-su-dung-hieu-qua-von-nha-nuoc-tai-cong-ty-lam-nghiep.html