Quản lý, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả

Nhu cầu sử dụng không gian ngầm tại Hà Nội ngày càng cao, đòi hỏi thành phố phải định hướng phát triển không gian ngầm trong dài hạn, đặc biệt là với các khu vực có giá trị kinh tế-xã hội lớn và bị hạn chế về phát triển cao tầng trong trung tâm đô thị hiện tại.

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất là một trong những vấn đề quan trọng, nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Hai phương án về xác định giới hạn sử dụng không gian ngầm

Để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, Điều 19, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất.

Hiện tại, dự thảo luật đang thiết kế hai phương án về nội dung này. Phương án 1: Quy định ngay trong luật, người sử dụng đất chỉ được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm-thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Phương án 2: Giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như phương án 1.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, phương án 1 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho TP Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Một góc khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY

Một góc khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY

Trong khi đó, phương án 2 có ưu điểm là có thể quy định giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được toàn quyền sử dụng một cách linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Song do đây cũng là nội dung mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên nếu giao Chính phủ quy định chi tiết thì trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập, Chính phủ sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định quyền của người sử dụng đất bề mặt trong việc sử dụng không gian ngầm thực chất là việc hạn chế quyền của người sử dụng đất, vì vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nội dung này cần được quy định trong luật của Quốc hội.

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan tán thành phương án 1. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng phương án trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ bảy", ông Hoàng Thanh Tùng kiến nghị.

Lo ngại tình trạng “giấy phép con”

Việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới chứ không chỉ riêng Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề xuất luật quy định theo phương án 1. Bởi, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho TP Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Liên quan tới nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích, ngay trong TP Hà Nội, mỗi quận, huyện, thậm chí mỗi phường, xã địa chất cũng khác nhau, không nơi nào giống nơi nào. Luật nên đưa ra một khung chung, có thể từ 15 đến 30m, với những công trình đặc thù về quốc phòng, an ninh... đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết.

Bày tỏ tán thành với phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất thuộc địa bàn TP Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc này nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và TP Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

Cũng ủng hộ phương án 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ví dụ, một cao ốc khoảng 100 tầng sẽ phải đóng cọc móng đến mấy chục mét. Nếu quy định trường hợp sử dụng lòng đất quá 15m phải được xem xét cấp phép, sẽ lại đẻ ra giấy phép con, lại đi xin, đi cho, lo ngại tạo ra cơ chế tiêu cực ở đây. “Trong luật quy định không gian ngầm là có giới hạn, còn giới hạn cụ thể như thế nào trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành thì giao cho Chính phủ là phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quan-ly-su-dung-khong-gian-ngam-mot-cach-hieu-qua-769875