Quản lý, sử dụng nhà hạt đường bộ: Tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí

Thời gian qua, cùng với việc Nhà nước đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, các nhà hạt đường bộ cũng được xây dựng kiên cố tại những vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà việc quản lý, sử dụng chưa được quan tâm đúng mức, khiến một số nhà hạt đường bộ xuống cấp, có nơi bỏ hoang.

Nhà hạt đường bộ Pha Long bỏ hoang từ hơn 2 năm nay.

Nhà hạt đường bộ Pha Long bỏ hoang từ hơn 2 năm nay.

Nhà hạt đường bộ Pha Long nằm sát Quốc lộ 4, thuộc địa phận thôn Pha Long 1, xã Pha Long (huyện Mường Khương). Nhà hạt này có vị trí khá đẹp, trên khu đất gần 200 m², có 2 dãy nhà cấp 4, cùng với đó là các công trình phụ trợ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các phòng của nhà hạt đường bộ Pha Long đã xuống cấp nghiêm trọng, cánh cửa vỡ kính và mục nát, sàn nhà bị hư hỏng nhiều chỗ, các thiết bị điện cũng bị ai đó tháo đi. Khu nhà chính được 1 hộ sử dụng làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Xung quanh sân trước và sau khu nhà, cỏ, lau mọc quá đầu người.

Ông Vàng Tỉn Dung, Chủ tịch UBND xã Pha Long cho biết: Nhà hạt đường bộ Pha Long được xây dựng với chi phí tiền tỷ rồi bỏ hoang nhiều năm, rất lãng phí, trong khi nhiều nhà văn hóa thôn, bản chưa được xây dựng kiên cố. Chính quyền xã rất “đau đầu” vì phải thường xuyên nhắc người dân không xâm phạm hoặc sử dụng nhà hạt làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

“2 năm qua, cử tri đề nghị UBND xã trưng dụng khu nhà này làm nhà văn hóa thôn Pha Long 1, hoặc làm nhà công vụ cho cán bộ, công chức xã, nhưng do đây không phải tài sản do UBND xã quản lý nên chúng tôi không thể tự ý trưng dụng. UBND xã Pha Long đã có văn bản gửi UBND huyện và cơ quan chức năng đề nghị được nhận bàn giao nhà hạt đường bộ Pha Long để địa phương quản lý, sử dụng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi” - Ông Vàng Tỉn Dung cho biết thêm.

Xuôi về xã Lùng Vai (huyện Mường Khương), phóng viên có mặt tại nhà hạt đường bộ Lùng Vai, thấy tình trạng cũng tương tự. Khu nhà hạt này được xây tại trung tâm xã Lùng Vai và nằm bên Quốc lộ 4D, trên khu đất rộng hơn 200 m² nhưng chỉ có 1 cán bộ trực và trông coi; khu sân trước chủ yếu dùng để tập kết vật liệu. Cổng nhà hạt đường bộ Lùng Vai đã bị đổ sập, hàng rào trước sân ngả nghiêng.

Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Văn Hưởng, nhân viên tuần đường, người được giao trông coi nhà hạt đường bộ Lùng Vai cho biết: Khu nhà hạt được xây dựng khang trang từ mấy năm trước nhưng do không có người quản lý, bảo vệ thường xuyên nên đã xuống cấp và hư hỏng nhiều hạng mục. Chúng tôi đã đề nghị đơn vị chủ quản nâng cấp, sửa chữa.

Công trình phụ trợ đã xuống cấp trầm trọng.

Công trình phụ trợ đã xuống cấp trầm trọng.

Đây là 2 trong số nhiều nhà hạt đường bộ nằm rải rác ven một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh mà phóng viên ghi nhận thấy đang trong tình trạng xuống cấp hoặc bỏ hoang. Chia sẻ với phóng viên, ông Hàn Mạnh Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần đường bộ Lào Cai cho biết: Trước đây, khi công ty được giao nhiệm vụ bảo trì các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh thì trực tiếp quản lý các nhà hạt đường bộ. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, khi Nhà nước tổ chức đấu thầu hoạt động bảo trì từng tuyến đường nên đơn vị nào trúng thầu sẽ tiếp nhận quản lý, sử dụng nhà hạt trên tuyến đó. Việc một số nhà hạt bị bỏ hoang hoặc xuống cấp là do các công ty, đơn vị được giao chưa quan tâm đến phương án bảo vệ, quản lý, sử dụng.

Lý giải về việc vì sao một số nhà hạt sau khi được xây dựng lại bị bỏ hoang, hoặc để xuống cấp không thể sử dụng, gây lãng phí tài sản và đất đai của Nhà nước, ông Đoàn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng) cho biết: Lào Cai hiện có 4 tuyến quốc lộ (QL279, QL4D, QL4E, QL70) và 1 tuyến tránh đảm bảo giao thông với tổng chiều dài 238 km; 12 tuyến tỉnh lộ dài 305 km; 479 km đường đến trung tâm xã, đường liên xã… Trong đó, tất cả tuyến quốc lộ và một số tuyến tỉnh lộ được Tổng cục Đường bộ bố trí 10 điểm xây dựng nhà hạt để sử dụng làm văn phòng và nơi tập kết nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc phục vụ công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường, phục vụ cán bộ, công nhân ứng trực đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ. Các nhà hạt này có diện tích không đồng đều, một số công trình mới được xây dựng, còn lại được xây dựng trước năm 2010. Hiện nay, có nhà hạt bị bỏ không, một số khác đã xuống cấp, gây lãng phí và thất thoát tài sản của Nhà nước. “Chúng tôi đã phối hợp với Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ) rà soát các nhà hạt để bàn phương án quản lý, sử dụng và bảo vệ” - ông Huỳnh nói.

Năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Văn bản số 60 về quản lý, sử dụng nhà hạt đường bộ. Văn bản nêu rõ, nhà hạt quản lý đường bộ là công trình phục vụ công tác quản lý đường thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nên phải được quản lý, bảo quản để sử dụng lâu dài...

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các cục quản lý đường bộ, các sở giao thông vận tải ký phụ lục hợp đồng với đơn vị trúng thầu về công tác quản lý, sử dụng nhà hạt đường bộ trên quốc lộ trúng thầu bảo dưỡng thường xuyên (kể cả các nhà thầu không có nhu cầu sử dụng nhà hạt đường bộ) và có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà hạt quản lý đường bộ trên các quốc lộ được giao quản lý.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356447-quan-ly-su-dung-nha-hat-duong-bo-tranh-tinh-trang-bo-hoang-lang-phi