Quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch, khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Việc quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước thời gian vừa qua? Bên cạnh những mặt thuận lợi còn có những khó khăn gì, thưa ông?
Luật Tài nguyên nước lần đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1998, được sửa đổi lần thứ nhất năm 2012. Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật (14 Nghị định, 21 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư).
Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, một số văn bản đã ban hành trở thành công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 7/15 quy hoạch về tài nguyên nước, gồm: Quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 5 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srepok, Hồng - Thái Bình, Cửu Long.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước. Một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Cùng với đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước,…
Việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những giải pháp gì nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam, thưa ông?
Vấn đề sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn được nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, giá trị sử dụng nước của Việt Nam rất thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Tỷ lệ thất thoát nước trong cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn còn cao (20-25%). Tỷ lệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả còn rất lớn (30%). Hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp của Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 0,2 USD/m3. Nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước khai thác sử dụng của Việt Nam nhưng chỉ tạo ra 17-18% GDP. Do đó, khi xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và tính toán kỹ lưỡng việc tiếp thu nội dung gì, tiếp thu như thế nào để vừa đảm bảo tính khả thi vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Về vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, Việt Nam cần phải thực hiện tổng hợp, đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành như đã được Bộ Chính trị nêu tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã và sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các giải pháp như: Xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung các quy định cụ thể như: Nguyên tắc, chính sách, hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, quản lý các thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, quản lý nhu cầu khai thác, sử dụng nước, quy hoạch về tài nguyên nước, quản lý việc điều hòa, phân phối nguồn nước cho các mục đích sử dụng; đảm bảo chất lượng cho các mục đích sử dụng như: chức năng nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo chất lượng nước cho nước sinh hoạt… Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Ngoài ra, Bộ cần triển khai thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước đặc biệt là quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long; điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước; quan trắc, giám sát tài nguyên nước để kịp thời ứng phó khi sự cố xảy ra; thực hiện các đề án, dự án nhằm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Đồng thời, Bộ cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn để chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong đó ưu tiên cao nhất đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Chỉ đạo việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các tài liệu, kết quả của chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao cho các địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Bộ cần tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành. Chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước của người dân và doanh nghiệp.
Quan điểm xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Vấn đề thu hút nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước cần được thể hiện cụ thể thế nào, thưa ông?
Khi xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ban soạn thảo dựa trên các quan điểm xây dựng Luật, trong đó có quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Quan điểm này đã được thể chế hóa trong toàn bộ dự thảo Luật từ nguyên tắc, chính sách đến các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ, khai thác tài nguyên nước…, trong đó tập trung vào một số điểm như: Bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế, thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; bổ sung các quy định nhằm kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước.
Cụ thể, bổ sung các quy định nhằm huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước như cho ý kiến về các dự án, hoạt động có khai thác, sử dụng nước với quy mô lớn, giám sát thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội… bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung một điều mới về “tích hợp hoạt động tài nguyên nước”, nhằm tính toán giá trị của nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việc tính toán đầy đủ giá trị của nước là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyển xem xét, quyết định việc điều hòa, phân bổ và thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông.
Trân trọng cảm ơn ông!