Quản lý tài chính công đoàn hiệu quả: Để chăm lo cho người lao động tốt hơn
Hoạt động kiểm toán có tác động lớn đến công tác quản lý tài chính, tài sản công của hệ thống công đoàn, qua đó giúp công tác chăm lo người lao động tốt hơn...
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Qua công tác kiểm toán cho thấy, nguồn tiền tích lũy gần 29 nghìn tỷ đồng của công đoàn được Kiểm toán Nhà nước đề cập là con số được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp và thuộc các cấp công đoàn.
Hiện nay, công đoàn cơ sở đang sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn; công đoàn cấp trên (các cấp) được sử dụng 30% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 25% tổng số thu kinh phí công đoàn.
Theo báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm 2022 của các đơn vị, tỷ lệ chi cho đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động, chiếm gần 80% tổng số chi các cấp công đoàn.
Qua công tác kiểm toán cũng cho thấy, những năm vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn tiết kiệm chi tiêu, sử dụng nguồn tài chính một cách thiết thực, hiệu quả. Với công đoàn cơ sở, trên cơ sở nguồn tài chính công đoàn được sử dụng theo dự toán, các đơn vị đã chủ động chi cho hoạt động trong năm, trong đó phần lớn dành cho người lao động.
Đối với công đoàn cấp trên cơ sở, khi được giao dự toán, đơn vị đã được yêu cầu lập dự phòng chi từ 5-10% trên tổng số chi nhằm tiết kiệm, tăng nguồn tích lũy để có thể thực hiện điều tiết toàn hệ thống trong trường hợp cần thiết. Từ đó tạo nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia…
Từ thực tế thực hiện kiểm toán về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và quyết toán ngân sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: Nguồn tài chính tích lũy mà Kiểm toán Nhà nước kiểm toán xác nhận là theo năm tài chính (tại thời điểm 31/12 hàng năm). Tại thời điểm này, nguồn tài chính công đoàn cơ sở chưa chi là để dành cho việc chăm lo, thăm hỏi đoàn viên, người lao động vào dịp Tết âm lịch (Tết sum vầy). Theo báo cáo của các đơn vị, về cơ bản, nguồn tài chính này được chi hết sau thời điểm Tết âm lịch.
Tại công đoàn cấp trên cơ sở đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số tài chính tích lũy được sử dụng cho các hoạt động chi thường xuyên, tổ chức chăm lo cho người lao động ở giai đoạn đầu năm tài chính.
Đối với nguồn tài chính công đoàn tạm thời chưa sử dụng, trong nhiều năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16838/BTC-TCT chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính công đoàn để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ cho đoàn viên, người lao động.
Theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn khi sử dụng nguồn tài chính tích lũy này phải được cấp trên phê duyệt như bổ sung chi hoạt động trong năm kế hoạch, sử dụng trong trường hợp các đột xuất.
Thực tế thời gian qua, ngoài nguồn tài chính từ các quỹ hỗ trợ, hệ thống công đoàn cũng có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ kịp thời cho người lao động như: Hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn; chi hỗ trợ, động viên đoàn viên người lao động gặp khó khăn, mất việc, dừng việc, nghỉ việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, giải thể, phá sản…
Ông Nguyễn Minh Dũng cho biết thêm, từ khi Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội thông qua, tiếp đó là Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn về tài chính công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy định về tài chính cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Từ đó, công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn ngày càng được công khai, minh bạch hơn.
Đáng chú ý, sau khi nhận được kết luận của Kiểm toán Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc chấn chỉnh, tiếp thu và thực hiện đầy đủ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng như kiến nghị của cơ quan chức năng khác, văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán, quyết toán tài chính công đoàn theo đúng quy định của pháp luật...
Đồng thời, hàng năm, tổ chức hội nghị quán triệt việc thực hiện quản lý tài chính, tài sản công đoàn; trong đó yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, đặc biệt tại công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm 2022, tình hình thất thu tài chính công đoàn ngày càng giảm, tình hình chi tài chính công đoàn đảm bảo ngày một tiết kiệm, hiệu quả hơn.