Quản lý tài sản mã hóa: Kinh nghiệm từ Thái Lan, Singapore và Nhật Bản
Tại nhiều nước trên thế giới, các sàn giao dịch tài sản mã hóa muốn hoạt động tại nội địa sẽ cần phải tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn tài sản cho nhà đầu tư, nhân sự quản lý và lưu ký, lưu trữ.
Hôm nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”.
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech của Hiệp hội đã nêu một số đề xuất với thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam cũng như nói về kinh nghiệm quản lý tài sản mã hóa tại một số nước khác trong khu vực.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”. Ảnh: BTC
Những tồn tại khi thiếu khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa
Trên quy mô toàn cầu, theo ông Trần Huyền Dinh, thị trường tài sản mã hóa có hai giai đoạn phát triển.
Thứ nhất, giai đoạn sơ khai (2009 – 2016) hình thành với nhiều nền tảng công nghệ thô sơ, hệ thống bảo mật nhiều lỗ hổng và thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh.
Sau đó đến thời kỳ ưu tiên tuân thủ pháp lý (2018 – 2025), trong giai đoạn này các doanh nghiệp bắt đầu thích ứng quy định KYC/AML nghiêm ngặt, tăng cường minh bạch tài chính và bảo vệ người dùng. Thời điểm này nổi lên một số sàn giao dịch tài sản mã hóa nổi bật như Coinbase, Kraken, Gemini, Binance và Bitget.
Quy mô thị trường tài sản mã hóa trên toàn cầu đang ngày một lớn dần, giá trị vốn hóa thị trường 2,9 ngàn tỉ USD, quy mô thị trường 200 tỉ USD, hơn 800 sàn giao dịch trên khắp toàn cầu.
Còn tại Việt Nam, nước ta hiện đang có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, và đứng thứ 7 trên toàn cầu về tiêu chí này, theo số liệu của TripleA. Còn theo công bố của Chainalysis, trong giai đoạn năm 2023 – 2024, ước tính có 105 tỉ USD dòng vốn từ thị trường blockchain đổ vào Việt Nam.
Thống kê ở thời điểm hiện tại cho thấy hiện có hơn 20 sàn giao dịch tài sản mã hóa phổ biến nhất với nhà đầu tư Việt Nam như: Bitget, BingX, Gate.io, Binance… Các sàn này công khai quảng bá, từ việc xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội cho đến mở sự kiện offline, hội thảo và thuê người nổi tiếng để thu hút người dùng Việt Nam.

Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có khối lượng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất trên sàn Binance (số liệu thống kê ở thời điểm tháng 5-2023), tương đương khoảng 20 tỉ USD, chiếm gần 5% tổng khối lượng giao dịch trên toàn cầu.
Với quy mô thị trường và mức độ phát triển như trên nhưng theo ông Dinh, Việt Nam lại đang ở vùng xám pháp lý của thị trường tài sản mã hóa, Việt Nam hiện không có quy định cấm hoặc không cấm các sàn giao dịch.
Chính vì vậy, các sàn giao dịch tài sản mã hóa dù có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhưng lại không có pháp nhân, trụ sở tại Việt Nam, các sàn này hoạt động xuyên biên giới, chỉ có các đại diện phát triển thị trường.
Đồng thời, cũng chưa có hệ thống giám sát giao dịch, tuân thủ AML/CFT, một số sàn hạn chế hợp tác với cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng lừa đảo thông qua tài sản mã hóa. Kết quả, xảy ra tình trạng có những vụ lừa đảo nhưng đại diện một số sàn từ chối hợp tác để truy vết tội phạm.
Trên cơ sở đó, ông Dinh đề xuất ra một số hướng tiếp cận bao gồm quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, tập trung xây dựng quy định cho sàn tập trung để kiểm soát dòng tiền, thuế và rủi ro; đồng thời cân bằng giữa lợi ích kinh tế và đổi mới công nghệ: vừa đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới và phát triển hệ sinh thái số tại Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài sản mã hóa
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á đã xây dựng thành công khung pháp lý chặt chẽ để quản lý tài sản mã hóa ví như Singapore, Thái Lan. Việt Nam có thể tham khảo bài học kinh nghiệm từ những nước này.
Tại Thái Lan, những sàn giao dịch tập trung được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính. Ban đầu Thái Lan phát triển chính sách quản lý tài sản mã hóa theo hướng siết chặt. Sau đó, Thái Lan thử nghiệm 9 sàn nội địa, giá trị giao dịch thấp với một số loại tài sản mã hóa nhất định.
Nhà đầu tư giao dịch được miễn thuế giao dịch và thuế GTGT. Tuy nhiên doanh nghiệp và cá nhân phải đóng thuế thu nhập cá nhân lần lượt là 20% và 15%. Hệ thống giao dịch và lưu ký bắt buộc phải được đặt tại Thái Lan.
Còn tại Singapore, tài sản mã hóa được quản lý theo Đạo luật Dịch vụ Thanh toán năm 2019. Sàn cung cấp dịch vụ đầu tư tiền mã hóa cho người bản địa phải có ít nhất 1 giám đốc điều hành là công dân hoặc thường trú nhân tại Singapore. Sàn cần phải xin giấy phép và được cấp phép hoạt động bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Đồng thời, MAS cũng yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Singapore phải tách bạch tài sản, lưu ký độc lập và báo cáo định kỳ.
Hệ thống giao dịch và lưu ký không nhất thiết tại Singapore nhưng phải tuân thủ quy tắc an ninh mạng tại Singapore.
Trên quy mô châu Á, Nhật bản cũng quản lý hoạt động thị trường tài sản mã hóa vô cùng chặt chẽ và có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, các sàn phải tách bạch hoàn toàn tài sản của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời phải có dự phòng đến 100% tài sản nhà đầu tư.

Thời gian gần đây, một số loại tiền mã hóa lớn có xu thế giảm giá khá mạnh. Nguồn: Bitget
Còn trên toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các sàn giao dịch tài sản mã hóa phải có ít nhất 1 giám đốc cư trú tại EU. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) yêu cầu phải có ít nhất 2 giám đốc cư trú tại UAE. Hệ thống lưu trữ tại EU phải được đặt tại EU hoặc địa điểm cơ quan quản lý lựa chọn. Tại UAE, hệ thống lưu trữ phải được đặt tại UAE.
Cũng tại sự kiện ngày hôm nay, một đại diện của Dragon Capital cũng đề xuất về hướng đi giúp mang đến lựa chọn đầu tư tốt cho nhà đầu tư tài sản mã hóa không có điều kiện tài chính tốt.
Theo đại diện của Dragon Capital, theo quy định hiện hành, trong khi sản phẩm ETF truyền thống hiện chỉ được giao dịch 5 phiên một tuần, lô giao dịch 100 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, phần nào gây hạn chế về thời gian giao dịch cũng như rào cản vốn đầu tư ban đầu với không ít nhà đầu tư.
Khi các ETF được Token hóa, nhà đầu tư có thể chỉ cần số tiền nhỏ vẫn có thể mua được ETF thông qua Token, tính thanh khoản cao và có thể giao dịch 24/7.
Dragon Capital cho biết, Việt Nam đang đứng trước tiềm năng lớn để phát triển tài sản số. Quỹ ETF được Token hóa là bước hợp lý để chuyển từ tài sản truyền thống sang tài sản số, nhờ tính quen thuộc tại Việt Nam và tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.
Token hóa là quá trình chuyển đổi các tài sản thực tế, như bất động sản, chứng khoán, hoặc tài sản vô hình, thành các mã thông báo kỹ thuật số (token) trên nền tảng blockchain. Các mã thông báo này đại diện cho quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản gốc.
ETF (Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu.