Quản lý thị trường Cà Mau phát hiện hộ kinh doanh điện thoại nhập lậu
Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Cà Mau tiến hành kiểm tra và phát hiện hộ kinh doanh điện thoại không rõ nguồn gốc.
Ngày 11/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh của ông Nguyễn T. K tại địa chỉ Lý Văn Lâm, khóm 2, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Qua kiểm tra thực tế, đội quản lý thị trường phát hiện nhiều sản phẩm điện thoại di động các loại: IPhone 13 Pro và Pro Max có dấu hiệu vi phạm hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 05 (năm) chiếc điện thoại Iphone 13 Pro và Pro Max, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành lập biên bản kiểm tra và ra quyết định tạm giữ 05 (năm) chiếc điện thoại nêu trên. Tổng trị giá hàng hóa của các điện thoại di động Pro và Pro Max có dấu hiệu vi phạm là: 97.000.000 đồng theo giá niêm yết trên hàng hóa tại cửa hàng.
Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành ra quyết định tạm giữ số điện thoại nêu trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Thông báo số 245/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 11/8/2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ, những tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhất là ở một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia tiếp tục diễn ra gay gắt.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì tác động của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai… tiếp tục diễn biến phức tạp; các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng,… là thách thức lớn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi công tác này phải đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn trong hành động.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong các tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này.
Đặc biệt, cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển...), xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng cục bộ để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.
Hà Duyên