Quản lý thị trường Hà Nội: Mạnh tay xử phạt hàng loạt cửa hàng trái cây không rõ nguồn gốc

Quản lý thị trường Hà Nội đã huy động lực lượng kiểm tra 16 điểm kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, kiên quyết 'nói không' với hàng không rõ nguồn gốc.

Kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây trên toàn thành phố

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Hoàng Hùng Thiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo việc kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong công văn số 541/QLTTHN-NVTH ngày 12/7/2022 về việc thực hiện nhiệm vụ tại một số đề án, kế hoạch năm 2022 của UBND Thành phố Hà Nội.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 16 vụ kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 16 vụ kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo đó, Công văn chỉ đạo Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội: tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý tổ chức cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại các chợ, vi phạm trong các hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố. Tập trung kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, lưu thông trái cây nhập lậu, trái cây giả mạo nguồn gốc, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, vi phạm về an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng và gian lận khác (ví dụ như vi phạm về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, ghi nhãn hàng hóa…).

Cục Quản lý thị trường cũng giao Đội Quản lý thị trường số 17 chủ trì phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng như các phòng nghiệp vụ PC05, PC03, PA04 - Công an thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Hải quan Hà Nội, các Đội Quản lý thị trường cơ động số 1, số 14 và các Đội Quản lý thị trường địa bàn triển khai các biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, lưu trữ, bảo quản, lưu thông số lượng lớn trái cây nhập khẩu trên địa bàn Thành phố.

Kiểm tra, xử lý 16 vụ

Thực hiện nhiệm vụ này, Đội Quản lý thị trường số 17 đã lập tức vào cuộc kiểm tra. Ông Hoàng Hùng Thiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Từ ngày 12/7/2022 đến ngày 15/9/2022, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 16 vụ. Hiện có 13 vụ đã được xử lý, 03 vụ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xử lý. Xử phạt hành chính 50.650.000 đồng; Trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy: 36.956.000 đồng; Hàng hóa vi phạm gồm 1.168,5 kg trái cây các loại.

Một số vụ việc điển hình như trong chiều ngày 15/9, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” ở địa chỉ số 39 phố Hồng Hà (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và thu giữ 120kg hoa quả nhập khẩu nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định, trị giá hàng hóa 9,9 triệu đồng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây bị xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy hàng không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ

Nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây bị xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy hàng không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ

Trong 2 ngày 14 và 15/9, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ số lượng hàng hóa gồm: Hàng hóa dày đặc chữ tượng hình 65kg; nho sữa 54 kg; quýt 36kg; táo 58 kg; hồng táo 72kg; mận Mỹ 12kg; kiwi 20 kg; lựu 38kg; tổng số 355kg.

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, toàn bộ hàng hóa đều do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm. Đội đã tạm giữ nhiều mặt hàng như nho, lê, mận, táo, kiwi… của các cơ sở và đầu mối kinh doanh. Các mặt hàng trên đều do nước ngoài sản xuất, nhập khẩu về Việt Nam nhưng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên. Hiện Đội Quản lý thị trường số 17 đang tiếp tục làm rõ và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hoàng Hùng Thiệp cho biết, đối với những mặt hàng trái cây do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sau khi xử phạt vi phạm hành chính sẽ buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 13 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây biển hiệu Fresh Fruits tại địa chỉ số 160 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Kết quả kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại cơ sở bày bán hàng hóa gồm dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, không rõ chất lượng, là hàng hóa nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 13 đã phạt cửa hàng Fresh Fruits số tiền 3.000.000 đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng.

Tại cơ sở kinh doanh trái cây địa chỉ số 296 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy - Hà Nội cũng vi phạm lỗi không niêm yết giá hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 13 đã phạt hành chính số tiền 1.500.000 đồng.

Hiện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố kiểm tra, kiểm soạt chặt việc kinh doanh trái cây không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc. Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng và cần kiểm tra kỹ trước những thông tin hoa quả nhập ngoại, tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc sai xuất xứ nguồn gốc.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-ha-noi-manh-tay-xu-phat-hang-loat-cua-hang-trai-cay-khong-ro-nguon-goc-220239.html