Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Thông qua các cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Chức năng cốt lõi của quản lý thị trường

Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm năm 2025, ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, chức năng chính của lực lượng quản lý thị trường không phải là tập trung vào việc thu ngân sách mà là bảo vệ và duy trì một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ cốt lõi của quản lý thị trường là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ cốt lõi của quản lý thị trường là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

“Trong năm vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đạt mức thu ngân sách hơn 500.000 tỷ đồng, trong khi số thu từ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường chỉ chiếm hơn 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy, vai trò của Quản lý thị trường không nằm ở con số thu ngân sách, mà ở việc ngăn chặn và xử lý những sai phạm nhằm tạo môi trường minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Ba nhận định, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, nơi diễn ra các hoạt động giao thương sôi động, nhưng cũng là địa bàn phức tạp với nhiều thách thức trong công tác quản lý. Trong những năm gần đây, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu, hàng giả đã giảm rõ rệt. Điều này chứng minh hiệu quả của công tác kiểm soát địa bàn, dù môi trường kinh doanh tại thành phố vẫn đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động thương mại ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn.

“Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng để tạo ra một cái môi trường lành mạnh để cho doanh nghiệp chân chính phát triển. Để cho các doanh nghiệp làm sai, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và làm hàng giả không dám làm. Đó mới là thành công của Quản lý thị trường”, ông Trương Văn Ba cho biết thêm.

Những kết quả trong việc giảm thiểu sai phạm và duy trì trật tự kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh những năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh của lực lượng Quản lý thị trường. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định cho nền kinh tế trong dài hạn.

Xử lý hàng nghìn vụ vi phạm nổi cộm

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 5.145 vụ, xử lý 4.846 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến 92,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng, vượt 113,7% so với chỉ tiêu, với mức vượt hơn 12 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý đạt hơn 73,3 tỷ đồng, tăng 37,52% so với cùng kỳ năm 2023; trị giá hàng hóa đã tiêu hủy lên đến hơn 60,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đơn vị đã kiểm tra xử lý các nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm trên địa bàn thành phố.

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm tra trên địa bàn. Ảnh: Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm tra trên địa bàn. Ảnh: Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Cụ thể, đối với mặt hàng vàng trang sức, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 326 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 2.100 sản phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier, Louis Vuitton với tổng giá trị hơn 18,26 tỷ đồng, xử phạt hơn 17,6 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Với mặt hàng thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, đã xử lý 121 vụ, tạm giữ hơn 123.000 bao thuốc lá điếu và 19.080 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử cùng phụ kiện, tinh dầu, trị giá hơn 9,4 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hàng hóa nhập lậu, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 689 trường hợp, tạm giữ hơn 848.000 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hơn 26,3 tỷ đồng. Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng là một vấn đề lớn với 2.215 vụ vi phạm được phát hiện, tạm giữ hơn 1,7 triệu sản phẩm trị giá gần 90 tỷ đồng, xử phạt hơn 44,1 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêu hủy hơn 6.600 chai rượu ngoại nhập lậu. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêu hủy hơn 6.600 chai rượu ngoại nhập lậu. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Đối với hàng giả, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 1.231 vụ, tạm giữ hơn 3,2 triệu sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng với tổng trị giá khoảng 13 tỷ đồng, xử phạt hơn 15 tỷ đồng. Các vi phạm liên quan đến thực phẩm cũng được chú trọng, với 514 vụ vi phạm được xử lý, tạm giữ hơn 303.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, trị giá hơn 10,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 379 vụ vi phạm trên các nền tảng trực tuyến, tạm giữ hơn 128.000 sản phẩm các loại, trị giá hơn 8 tỷ đồng. So với năm 2023, số vụ vi phạm tăng hơn 392%, cho thấy sự tập trung và quyết tâm của lực lượng trong việc kiểm soát lĩnh vực này.

Dù còn nhiều khó khăn, Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh. Sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và sự ủng hộ từ cộng đồng là động lực quan trọng để lực lượng này tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-tp-ho-chi-minh-xay-dung-moi-truong-kinh-doanh-lanh-manh-370383.html