Hơn 10.000 triệu phú rời khỏi Anh vào năm 2024: Nguyên nhân và hệ quả
Hơn 10.000 triệu phú rời Anh trong năm 2024, tăng mạnh từ 4.200 năm trước, báo hiệu cuộc 'chảy máu tài sản' lớn nhất lịch sử hiện đại.
Theo công ty phân tích toàn cầu New World Wealth (NWW), việc áp thuế, sự phát triển mạnh mẽ của Mỹ và châu Á trong lĩnh vực công nghệ cao, tầm quan trọng ngày càng suy giảm của Sàn giao dịch chứng khoán London và tình trạng ngày càng “xuống cấp” của hệ thống y tế là một số nguyên nhân tiềm năng dẫn đến hiện tượng “chảy máu tài sản” này.
Năm 2024, Anh đã mất ròng 10.800 triệu phú, tăng mạnh so với con số 4.200 vào năm 2023. Chỉ có Trung Quốc mất nhiều người giàu hơn trong cùng kỳ.
Từ năm 2017 đến 2023, Vương quốc Anh đã chứng kiến sự ra đi của 16.500 triệu phú do tình hình bất ổn từ Brexit và đại dịch COVID-19.
Trong giai đoạn từ thập niên 1950 đến đầu những năm 2000, Anh, đặc biệt là London, từng là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới cho các triệu phú di cư. Thành phố này thu hút nhiều gia đình giàu có đến từ châu Âu lục địa, châu Phi, châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi, theo ông Andrew Amoils, trưởng nhóm nghiên cứu của NWW.
Điểm đến thay thế cho giới triệu phú
Các thành phố như Paris, Dubai, Amsterdam, Monaco, Geneva, Sydney và Singapore đang nổi lên là những lựa chọn hấp dẫn cho các triệu phú rời khỏi Anh. Trong khi đó, Florida (Mỹ), Algarve (Bồ Đào Nha), Malta và Riviera Ý được đánh giá là các điểm đến lý tưởng cho những người nghỉ hưu.
Trong một bài viết, ông Amoils nhận định có nhiều yếu tố phức tạp dẫn đến sự suy giảm tài sản tại Anh. Ông nhấn mạnh rằng những người giàu không có quốc tịch Anh đang trở thành đối tượng bị áp thuế bổ sung, điều này khiến nhiều người trong số họ quyết định rời đi.
Ông cũng cho biết các mức thuế đánh vào lợi nhuận vốn (capital gains tax) và thuế thừa kế (estate duty) đang làm nản lòng các chủ doanh nghiệp giàu có cũng như người nghỉ hưu. Điều này gây ảnh hưởng lan tỏa đến các ngành như quản lý tài sản và văn phòng gia đình (family office), vốn đang có dấu hiệu suy giảm.
Yếu tố cạnh tranh toàn cầu
Theo ông Amoils, một trong những lợi thế truyền thống của Anh là sử dụng tiếng Anh - ngôn ngữ chính hoặc ngôn ngữ thứ hai của phần lớn các cá nhân giàu có trên toàn cầu. Tuy nhiên, yếu tố này đang dần trở nên kém quan trọng hơn khi các nền kinh tế nói tiếng Anh khác như Mỹ, Úc và Canada phát triển vượt bậc.
Ngoài ra, nhiều thị trường có thu nhập cao khác, nơi người dân chỉ cần sử dụng tiếng Anh cũng có thể sinh sống dễ dàng, như Singapore, UAE, New Zealand, Malta, Thụy Sĩ và Mauritius, đang trở thành điểm đến mới. Các trường học và đại học hàng đầu ở các quốc gia này cũng được cải thiện đáng kể và hiện được đánh giá ngang tầm với Anh.
Theo The Times, báo cáo được thực hiện bởi New World Wealth và công ty tư vấn di trú đầu tư Henley & Partners. Nghiên cứu này tập trung vào những cá nhân có tài sản thanh khoản hơn 1 triệu USD (tương đương khoảng 821.500 bảng Anh).
Tiếng nói từ doanh nghiệp và chính phủ
Ông Charlie Mullins, nhà sáng lập công ty Pimlico Plumbers, người đã chuyển đến Tây Ban Nha, chia sẻ với báo giới:
“Anh đang gặp rắc rối. Tôi không hoàn toàn đổ lỗi cho Đảng Lao động, Đảng Bảo thủ cũng đã mắc nhiều sai lầm, nhưng Đảng Lao động làm tình hình tệ hơn. Họ tăng thuế và thêm các luật lao động mới, như yêu cầu hợp đồng ngay từ ngày đầu. Điều này khiến việc điều hành doanh nghiệp trở nên khó khăn”.
Đại diện Bộ Tài chính Anh cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện các cải cách thuế mang tính tiến bộ và công bằng. Việc những người có khả năng đóng góp nhiều hơn là điều đúng đắn, nhằm củng cố nền tảng kinh tế, đảm bảo sự ổn định và tài trợ cho các dịch vụ công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng”.
“Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) dự báo các cải cách liên quan đến những người không cư trú (non-doms) sẽ mang lại 33,8 tỷ bảng Anh trong 5 năm tới, hỗ trợ các dự án đầu tư cần thiết để nâng cao mức sống trên cả nước”.