Quản lý thị trường xăng dầu: Làm gì để giảm hỗn loạn?
Để thị trường xăng dầu hỗn loạn nguồn cung như hiện nay, cơ quan quản lý phải xem lại trách nhiệm điều hành và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn để làm lành mạnh thị trường.
Thị trường xăng dầu trước đây được vận hành theo Nghị định 83 (nay là Nghị định 95) có sự phát triển mạnh của hệ thống các doanh nghiệp tham gia thị trường ở nhiều khâu từ xuất nhập khẩu, phân phối bán buôn đến bán lẻ. Nó vốn được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường lành mạnh hơn, giá trong nước sẽ theo sát diễn biến giá thế giới.
Thế nhưng, với sự thay đổi liên tục của giá xăng dầu và ngày càng khó dự báo, không những tác động lớn đến cung cầu thị trường mà còn đẩy giới kinh doanh rơi vào khó khăn chưa từng có. Còn người tiêu dùng thì phải chịu gánh nặng lớn khi giá lập đỉnh lịch sử trong vòng 8 năm qua, tạo sức ép lớn cho nền kinh tế, thì dường như quy định đã không bắt kịp được với thực tế.
Thành thử, những vấn đề của thị trường xăng dầu thời gian qua như cung cầu bất ổn, giá cả biến động gây nên tình trạng thiếu hàng, đóng cửa hay găm hàng hoặc những vụ xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng quy mô lớn… dường như vẫn đang khá hỗn loạn, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Trước kỳ điều hành ngày 5/9, thị trường xăng dầu đã từng nháo nhác khi các đầu mối, thương nhân phân phối không giao đủ hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, trong khi nguồn cung từ thế giới dồi dào, giá cũng đã giảm. Đỉnh điểm khi Bộ Công thương thông báo tước giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối có thị phần rất lớn ở địa bàn phía Nam, khiến hơn 1.000 đại lý bán lẻ có nguy cơ đóng cửa.
Việc này, vô hình trung tác động tiêu cực tới thị trường đó là, thị trường thiếu hụt xăng dầu thật sự, hoặc tạo cơ hội cho một vài đầu mối lớn thao túng, tạo khan hiếm ảo để lũng đoạn giá xăng dầu.
Thực tế, sự đổ vỡ, đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước vốn đã được cảnh báo tại kỳ điều hành vào hồi tháng 2. Thời điểm đó, kỳ điều hành ngày 1-2 rơi vào đúng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian điều chỉnh kéo dài tới 20 ngày, trong bối cảnh giá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, thì việc gián đoạn nguồn cung cục bộ đã không thể tránh khỏi.
Sự lũng đoạn, hỗn loạn còn thể hiện khi nó đi ngược với thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) rằng nguồn cung hiện ổn định và sẽ tăng trong quý 4. Nên Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đến nay với nguồn cung dồi dào, việc thiếu hàng lại trở thành phi lý.
Cụ thể, theo VINPA, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay vẫn đảm bảo do cả hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn vẫn hoạt động ổn định với dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 xăng dầu trong quý 3 này (chiếm 72% tổng nhu cầu) và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 4. Về nhập khẩu xăng dầu hiện cũng không có khó khăn gì, tất cả chỉ là vấn đề giá cả.
Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cũng nói: “Tôi nghĩ khi việc kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công thương với các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên hơn sẽ giúp lập lại trật tự thị trường xăng dầu. Tôi khẳng định về tổng thể nguồn cung trên thị trường là không thiếu, nhưng ông nào kêu thiếu nguồn, bán ra nhỏ giọt, vì sao thiếu thì cần làm rõ, phải truy tận gốc mới ra được vấn đề”.
Thiếu sót ở đây là cơ quan quản lý đã không lường được tình huống để vào cuộc, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn vấn đề từ sớm. Việc Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo lập các đoàn công tác để truy gốc rễ của hiện tượng thiếu nguồn cung được coi là khá muộn, không khác nào có lửa mới đi chữa cháy.
Nghiêm trọng hơn, theo nhiều chuyên gia, đáng lo ngại nhất hiện nay không còn là ở hệ thống bán lẻ, mà chính là các đầu mối, cùng với cách quản lý, điều hành kém, thiếu linh hoạt của cơ quan chức năng, từ việc cấp phép nhập khẩu, các tiêu chí về hệ thống, đến lịch điều chỉnh giá xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng, cách vận hành quỹ bình ổn giá..v..v.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng, nếu không trị tận gốc rễ, giải quyết bản chất vấn đề thì tình trạng hiện nay là tiền lệ xấu, sẽ còn tái diễn trong thời gian tới.
Tương tự, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, việc tổ chức quản lý điều hành cũng như quản lý mạng lưới phân phối xăng dầu trong thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải xem xét lại.
Có thể nói, trong lúc từng giọt dầu, giọt xăng đều quý giá, còn những bất ổn trên thị trường xăng dầu vẫn cứ đeo đẳng, thách thức cả mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Cơ quan quản lý phải xem lại trách nhiệm điều hành và cần chủ động đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn để làm lành mạnh thị trường.
Tức là, để thị trường xăng dầu hỗn loạn như hiện nay, vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý - Bộ Công Thương với vai trò tham mưu cho Chính phủ công tác điều hành xăng dầu phải nhận diện những hạn chế trong cơ chế điều hành thế nào, nhìn thẳng vào những bất cập trong quản lý ra sao?
Qua đó có thể thực hiện một số biện pháp như:
Một là, tăng cường thanh tra nhằm giảm thiểu tình trạng nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu; tình trạng buôn lậu, đầu cơ, găm giữ, gian lận và làm giả mặt hàng này.
Hai là, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan điều hành về đánh giá, phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu cho phù hợp, sát tình hình, đảm bảo quyền lợi của cả ba bên: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Ba là, chủ động nắm bắt thông tin, theo sát và dự đoán những kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng.
Cuối cùng, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc giải quyết vấn đề. Chỉ có như vậy mới thúc đẩy đội ngũ cán bộ, quản lý tập trung tinh thần, trí lực vì lợi ích chung.