Quản lý thông tin trên mạng cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương
Việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vào ngày 9/11 vừa qua. Nghị định sẽ có hiệu lực vào ngày 25/12 tới.
Một trong những điểm mới của Nghị định 147 đó là việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng Internet được phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.
Theo đó, tại điều 22 quy định về trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Nghị định 147 nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong phạm vi cả nước.
Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên môi trường mạng; bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng như: Thương mại; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; giáo dục, đào tạo; lao động, việc làm an sinh xã hội và thuế.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trên địa bàn theo thẩm quyền.
Trao đổi với VietNamNet, các chuyên gia cho rằng, với việc phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị như trên, việc quản lý không gian mạng sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Cụ thể, nhiều hoạt động trên không gian mạng hiện nay cũng không khác so với thế giới thực, bên cạnh các hành vi tích cực, còn xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau chẳng hạn như: Lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, đưa tin giả, xuyên tạc hay xúc phạm nhân phẩm người khác…
Nếu chỉ riêng Bộ TT&TT sẽ không bao quát hết được và việc quản lý sẽ rất khó khăn. Vì thế, theo các chuyên gia, nếu giao trách nhiệm về cho các bộ, ngành, địa phương liên quan… theo phương châm ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, các đơn vị sẽ tham gia tích cực hơn và việc quản lý trên không gian mạng sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Góp ý kiến thêm về vấn đề này, ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng Công ty cổ phần truyền thông quảng cáo Đông Kinh (Tonkin Media) cho rằng, khi luật đi vào hiệu lực để hiệu quả hơn cần lập ra một ủy ban giám sát không gian mạng với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các nền tảng trong nước và xuyên biên giới, thậm chí là cả các chuyên gia…
Đây sẽ là đơn vị trung gian đại diện cho các bên để giám sát các hoạt động trên môi trường mạng Internet, đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ điều chỉnh luật cho phù hợp với sự phát triển; cũng như phát hiện các vi phạm trên không gian mạng để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.