Quản lý thuốc còn nhiều bất cập

Với số lượng người bệnh liên tục tăng cao, việc cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị trở thành thách thức rất lớn cho ngành dược

Ngày 14-6, HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP với sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.

Bị bệnh nhưng không mua được thuốc

Báo cáo tại phiên giải trình, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong nhiều năm qua, ngành y tế TP không chỉ đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân đang sinh sống trên địa bàn mà còn tiếp nhận khám, chữa bệnh cho hàng triệu người bệnh đến từ các địa phương khác và cả người nước ngoài.

Tại buổi họp, nhiều đại biểu thắc mắc về cơ chế thanh toán BHYT khi thời gian qua người bệnh phải mua thuốc bên ngoài dù nằm trong danh mục thanh toán của BHYT. Đại biểu Huỳnh Thanh Hùng đặt vấn đề có một số phản ánh của người dân có thẻ BHYT nhưng đến các cơ sở công lập khám chữa bệnh thì không bảo đảm đầy đủ quyền lợi, đặc biệt là cung ứng thuốc không đầy đủ. Vậy những trường hợp này, nếu người dân được chỉ định mua ngoài thì có được thanh toán BHYT không?

Trả lời tại phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết hiện chưa có quy định về thanh toán cho người bệnh khi bỏ tiền mua thuốc bên ngoài. Bộ Y tế đang dự thảo thông tư về vấn đề này, nhưng việc thanh toán lại mâu thuẫn với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. "Từ trước đến nay chưa có văn bản hướng dẫn quy định pháp luật nào về việc thanh toán lại tiền thuốc nếu bệnh nhân phải mua ngoài do thiếu thuốc mà trách nhiệm vẫn thuộc về cơ sở khám chữa bệnh. Việc cung ứng thuốc là trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nguyên nhân do đứt gãy nguồn cung và thông tư đấu thầu thuốc chậm ban hành. Luật Đấu thầu thuốc mới có hiệu lực từ tháng 1-2024 nhưng tới tháng 5-2024 mới có thông tư hướng dẫn khiến một số bệnh viện thiếu thuốc nhưng không thể mua được" - bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng đưa ra một số giải pháp trước mắt như cần mở rộng đấu thầu tập trung cấp địa phương để các bệnh viện thiếu thuốc có thể điều tiết nguồn thuốc qua lại. Đồng thời, đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán giữa các cơ sở y tế và BHXH để thuận lợi cho bệnh nhân, bệnh viện và cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng thuốc giả hoặc không bảo đảm chất lượng khi bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài. Nếu tổ chức đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện thì khi một bệnh viện hết thuốc, người bệnh sẽ phải mua thuốc bên ngoài.

"Liên quan đến dự thảo về thanh toán lại cho bệnh nhân mua thuốc BHYT của Bộ Y tế, tôi nhận thấy vẫn chưa hợp lý ở một số điểm. Ví dụ, không phải bệnh nhân nào cũng có tiền để mua thuốc ngoài và nếu việc này được chấp nhận sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân thường xuyên phải mua thuốc bên ngoài, trái với Luật Khám bệnh, chữa bệnh" - bà Hằng nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP HCM

Toàn cảnh phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP HCM

Tồn tại nhiều hạn chế

Theo BS Thượng, hoạt động mua sắm thuốc của các cơ sở y tế công lập được quản lý chặt qua hình thức đấu thầu thuốc. Năm 2022, UBND TP giao Bệnh viện Hùng Vương thực hiện đấu thầu tập trung cấp địa phương, kết quả lựa chọn nhà thầu quý I/2023, có 278 mặt hàng thuốc trúng thầu trong tổng số 315 mặt hàng thuốc mời thầu (đạt 88,25%); tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.480 tỉ đồng. Đối với 37 mặt hàng không trúng thầu của gói thầu tập trung cấp địa phương, các cơ sở y tế công lập thực hiện đấu thầu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, năm 2023, Sở Y tế cũng đã giám sát công tác đấu thầu của 4 đơn vị, gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện An Bình và Trung tâm Y tế quận 3, kết quả thực hiện đúng theo quy định. TP HCM có hơn 38,5 triệu lượt khám ngoại trú và hơn 2,3 triệu lượt nội trú (tăng 4,1% so với năm 2022). Với số lượng cơ sở khám, chữa bệnh rộng khắp và số lượt khám, chữa bệnh liên tục tăng cao, việc cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị thật sự là bài toán khó của ngành dược của TP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, BS Thượng cho rằng công tác quản lý cung ứng và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý dược chưa đồng bộ; nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hiện hành không quy định hoặc có quy định nhưng không phù hợp với thực tế; các văn bản pháp luật quy định liên quan hoạt động về dược tại các cơ sở khám, chữa bệnh không phù hợp với các quy định hiện hành do căn cứ pháp lý ban hành thông tư đã hết hiệu lực và một số văn bản chưa cập nhật kịp thời như các văn bản liên quan đến công tác được bệnh viện hoặc thay đổi liên tục như văn bản liên quan đến đấu thầu thuốc. Điều này dẫn đến việc gián đoạn công tác đấu thầu mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế công lập trong thời gian chờ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Hiện chưa có quy định về thanh toán cho người bệnh BHYT khi bỏ tiền mua thuốc bên ngoài

Hiện chưa có quy định về thanh toán cho người bệnh BHYT khi bỏ tiền mua thuốc bên ngoài

Cần sớm đưa ra quyết sách

Để công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP ngày một tốt hơn, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược, trong đó bổ sung các loại hình kinh doanh dược phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội (kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc); sửa đổi các quy định về thủ tục đăng ký thuốc; sửa đổi quy định về gia hạn số đăng ký thuốc tự động trong trường hợp thuốc bảo đảm tính an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành và không có báo cáo phản ứng có hại nghiêm trọng...

Bên cạnh đó, sửa đổi các quy định về đăng ký thuốc cổ truyền, ưu tiên giảm bớt hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ công thức thuốc và hiệu quả lâm sàng đối với các thuốc sản xuất dựa trên bài thuốc gia truyền được thực tiễn chứng minh hiệu quả điều trị hoặc các bài thuốc đã có lịch sử kinh doanh lâu dài, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả. Ban hành các chính sách ưu đãi để phát triển thuốc cổ truyền nhằm phát huy, kế thừa các bài thuốc quý (quy định về đăng ký thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ).

BS Thượng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật hiện hành. Sớm phê duyệt dự án KCN chuyên ngành y dược tại TP HCM vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, Bộ Y tế sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư 15 quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện... Đồng thời, phối hợp với BHXH Việt Nam sửa đổi quy định về thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT, tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh trong quá trình mua sắm, bảo quản, cấp phát thuốc tại cơ sở y tế.

Bổ sung quy định nhà thuốc tư nhân được liên kết với cơ sở y tế trong việc cấp phát thuốc cho người có thẻ BHYT để tăng cường khả năng cung ứng thuốc, giảm áp lực cho cơ sở y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận thuốc. Nghiên cứu thành lập trung tâm dự trữ thuốc quốc gia đối với các thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt để bảo đảm công tác cung ứng thuốc trên toàn quốc kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định thành phố đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Để kịp thời khắc phục và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bà Lệ đề nghị UBND TP HCM hoàn chỉnh quy hoạch công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược, quy hoạch vùng nguyên liệu dược, nuôi trồng dược liệu; nguyên liệu sản xuất thuốc; xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu thuốc, vắc-xin, các trung tâm kiểm nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu phát triển thuốc...; tăng cường kiểm tra giám sát; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

20 triệu lượt khám bệnh BHYT

Hệ thống khám chữa bệnh của TP gồm nhiều cơ sở khám chữa bệnh và đa dạng về loại hình. TP có 10 bệnh viện đa khoa; 22 bệnh viện chuyên khoa (ngoại, sản, nhi, da liễu, tâm thần...); 12 bệnh viện bộ, ngành; 19 bệnh viện quận, huyện, TP Thủ Đức, 4 trung tâm y tế; 67 bệnh viện tư nhân; 18 trung tâm y tế; 310 trạm y tế; 8.044 phòng khám tư nhân và 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Trên toàn TP có hơn 40.000 giường bệnh. Năm 2023, số lượt khám chữa bệnh BHYT tại TP là 20 triệu lượt; tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 27.395 tỉ đồng, trong đó chi phí thuốc BHYT là 11.307 tỉ đồng.

Theo Sở Y tế TP HCM, sản lượng tiêu thụ thuốc tại TP HCM chiếm gần 30% cả nước. TP HCM tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và là đầu mối phân phối thuốc cho tất cả các khu vực trên cả nước. Trong đó, có 43 nhà máy sản xuất thuốc; 1.512 doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, nguyên liệu thuốc; 16 cơ sở dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và 8.387 nhà thuốc bảo đảm cung ứng thuốc, 357 cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trên toàn TP, bao phủ rộng khắp các địa bàn, kể cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, xã đảo.

Số nhà máy sản xuất dược phẩm của TP chiếm khoảng 15% tổng số nhà máy trong cả nước. Hệ thống phân phối thuốc đã bảo đảm cung ứng thuốc trên toàn TP. Do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược TP.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quan-ly-thuoc-con-nhieu-bat-cap-196240614222255463.htm