Quản lý trái phiếu doanh nghiệp: Cần hài hòa giữa các luật
Trước đề xuất đưa phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp của công ty không đại chúng quy định tại Luật Doanh nghiệp, mà không phải là Luật Chứng khoán, giới chuyên gia cho rằng, cần quy định theo hướng hài hòa giữa 2 luật để thuận lợi trong quản lý thị trường này.
Luật Chứng khoán không nên “ôm”?
Sau nhiều năm èo uột, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận sự khởi sắc kể từ đầu năm 2019 đến nay. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 9 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt khoảng 164.414 tỷ đồng. Quy mô thị trường tính đến 24/9/2019 đạt 9,91% GDP năm 2018, tăng 29% so với cuối năm trước…
Mặc dù tăng, nhưng so với các thị trường trong khu vực ASEAN, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp, nên cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho thị trường phát triển hơn.
Trong bối cảnh đó, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng được quy định theo hướng gắn phát hành với bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đối với phát hành riêng lẻ, việc phát hành được quy định theo hướng đối tượng phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của công ty đại chúng và công ty không đại chúng là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, cũng như có căn cứ để quản lý, giám sát thị trường này.
Đề xuất luật hóa quy định của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng là một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi.
Trong quá trình thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cơ quan này đề nghị Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng, còn Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Có nghĩa là, các nội dung về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018 sẽ được luật hóa trong Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 2 luật đối với 2 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Bởi nếu chuyển quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng vào Luật Chứng khoán sửa đổi, thì có khả năng phát sinh rủi ro trong quá trình quản lý.
Nguyên nhân là theo quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chỉ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với gần 2.000 công ty đại chúng.
Trường hợp đưa hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ dẫn đến UBCK phải tăng thêm công cụ và nguồn lực để có thể thanh tra, kiểm tra đối tượng này với tiêu chuẩn tham gia thị trường thấp hơn so với công ty đại chúng, nhưng số lượng lại lớn hơn nhiều, khoảng 700.000 doanh nghiệp.
Đó là chưa kể việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp này được quản lý bởi cơ quan đăng ký kinh doanh.
Một chuyên gia trái phiếu ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, ở các nước, trái phiếu cũng là một loại chứng khoán nên được quy định ở Luật Chứng khoán.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự không rõ ràng, rối rắm nằm ở chỗ cùng là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, nhưng nếu là công đại chúng thì thuộc phạm vi điều chỉnh của của Luật Chứng khoán, còn nếu là phát hành riêng lẻ thì Luật Doanh nghiệp, Nghị định 163/2018 điều chỉnh.
Do đó, cần tính toán để đưa ra một phương án hài hóa, để nếu đưa vào Luật Chứng khoán thì tránh làm khó cho doanh nghiệp với những tiêu chuẩn, điều kiện phát hành tương đương như công ty đại chúng.
Còn nếu quy định ở Luật Doanh nghiệp thì cần tránh quy định quá thoáng dẫn đến thông tin phát hành, cũng như thông tin thị trường không minh bạch, gây khó cho công tác quản lý, ban hành chính sách phát triển thị trường...
Cần một phương án hài hòa
Trước ý kiến cho rằng không nên quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo phương thức riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là đại chúng tại Luật Chứng khoán, mà chuyển sang Luật Doanh nghiệp, một lãnh đạo Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) nhìn nhận, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn vì đối với phát hành trái phiếu, về bản chất là khoản vay của doanh nghiệp, tương tự như vay vốn ngân hàng.
Bởi vậy, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định quyền của doanh nghiệp được huy động vốn, còn cách thức vay trái phiếu thực hiện theo Luật Chứng khoán vì trái phiếu là một loại chứng khoán, tương tự cách thức vay vốn ngân hàng thì phải tuân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp hiện hành có quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của công ty cổ phần, nhưng lại dẫn chiếu sang pháp luật chứng khoán.
Luật Chứng khoán năm 2010 nêu rõ, việc phát hành chứng khoán riêng lẻ (gồm cổ phiếu và trái phiếu) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn.
Mặt khác, trên thực tế, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được triển khai từ năm 2006 đến nay không phân biệt giữa công ty đại chúng với công ty không đại chúng.
Điều này thể hiện ở các văn bản pháp luật điều chỉnh về phát hành trái phiếu doanh nghiệp như Nghị định 52/2006, Nghị định 90/2011, Nghị định 163/2018.
Về cơ bản, nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải căn cứ Luật Chứng khoán, vì các quy định về định nghĩa phát hành chứng khoán riêng lẻ, định nghĩa nhà đầu tư, điều kiện phát hành, hoạt động giao dịch, việc công bố thông tin, cung ứng dịch vụ của các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán và tổ chức lưu ký... đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán.
Do đó, việc quy định tại Luật Chứng khoán các nội dung nêu trên sẽ đảm bảo sự đồng bộ trong quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của cả công ty đại chúng và không đại chúng, cũng như hoạt động giám sát, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo kinh nghiệm quốc tế, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Nhiều quốc gia quy định cụ thể về phát hành trái phiếu riêng lẻ (điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục) tại Luật Chứng khoán tương tự như các loại chứng khoán khác để có khung pháp lý đồng bộ quản lý giám sát thị trường này.
Một số nước, chẳng hạn Trung Quốc, quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ tại cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán theo hướng dẫn chiếu từ Luật Doanh nghiệp sang Luật Chứng khoán.
“Để tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững, đóng góp có hiệu quả vào việc huy động vốn cho nền kinh tế, cần thiết phải quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán để Chính phủ có căn cứ hướng dẫn...”, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận.