Quản lý trật tự đô thị: Gỡ từ cơ chế
Báo Kinh tế & Đô thị ngày 5 và 12/9 có chùm bài phản ánh vai trò của công tác dân vận trong GPMB, quản lý trật tự đô thị.
Xung quanh vấn đề này, giới chuyên môn cho rằng, để duy trì những kết quả đã đạt được rất cần có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở và sự “ổn định” của các văn bản pháp luật.
Thiếu kiến thức chuyên ngành
Theo ông Đặng Đức Cường – Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên, sau khi quy chế dân chủ được triển khai đối với các công trình xây dựng nhà riêng lẻ, số công trình xây dựng có phép trên địa bàn quận đã đạt 99%, qua giám sát 100% công trình đều công khai giấy phép tại chân công trình và Nhà văn hóa tổ dân phố. Nhờ đó, số công trình xây dựng sai phép, không phép phát sinh trên địa bàn đều được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Cường cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý trật tự đô thị như việc công khai các nội dung theo quy định tại các công trình chưa được thực hiện đầy đủ và việc xử lý các vi phạm của chính quyền địa phương còn chậm, chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, do kiến thức trong lĩnh vực xây dựng của người dân còn hạn chế nên việc phát hiện các sai phạm của các dự án không hề đơn giản.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ GPMB theo đúng chỉ đạo, cả hệ thống chính trị từ quận đến phường và các tổ chức chính trị cơ sở đều phải vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do những thiếu hụt về kiến thức chuyên ngành nên việc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những dự án chậm triển khai, chuyển tiếp.
Nhất quán về chính sách
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều quận, huyện trên địa bàn TP, trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, công tác quản lý trật tự đô thị, GPMB đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cùng một dự án nhưng lại có những cơ chế, chính sách khác nhau… dẫn đến nhiều kiến nghị của Nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Đăng Thình – Phó Trưởng ban Dân vận quận Nam Từ Liêm cho rằng, hiện các văn bản, quy định pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn có những nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa phù hợp với đặc thù, thực tiễn tại địa phương.
Thậm chí, có nhiều nội dung Chính phủ đã ủy quyền, giao các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết định, tuy nhiên khi có khiếu nại, tố cáo các bộ, ngành T.Ư lại có hướng giải quyết khác gây khó khăn cho việc thực hiện ở các địa phương. Chưa hết, cũng theo ông Thình, để đẩy nhanh tiến độ GPMB thì công tác chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà để bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án là thủ tục rất quan trọng. Tuy nhiên, trình tự thủ tục để được chấp thuận chính sách, bố trí tái định cư… lại mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công tác GPMB của các dự án.
Cùng quan điểm trên, bà Đỗ Phương Nga – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) nhấn mạnh, GPMB liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị ảnh hưởng. Do đó, để đảm bảo đúng tiến độ GPMB đã được đề ra, bên cạnh việc đối thoại, cung cấp thông tin cụ thể, nhất định phải kịp thời giải quyết những kiến nghị phát sinh, đặc biệt cần nhất quán về chế độ, chính sách, tránh tình trạng tiền hậu bất nhất, người đi sau được hưởng lợi hơn người đi trước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-ly-trat-tu-do-thi-go-tu-co-che-352937.html