Quản lý từ gốc chất lượng nông sản
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý chất lượng nông sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác này gặp phải không ít khó khăn. Để nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc nông sản, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc quản lý từ gốc chất lượng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.
Sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Quỳnh Ngọc
Những khó khăn trong áp dụng QRcode và quản lý
Chất lượng sản phẩm nông nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước và là yếu tố hàng đầu để nông sản của Thủ đô nói riêng, của nước ta nói chung tiếp cận các thị trường quốc tế. Những năm gần đây, việc quản lý nguồn gốc nông sản được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, từ năm 2018, ngành Nông nghiệp Thủ đô triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản (địa chỉ http://www.hn.check.net.vn). Đến thời điểm này, đã cấp 8.589 bộ mã truy xuất nguồn gốc (QRcode) cho các nông sản đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, tăng 80% so với năm 2018.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu, nhờ có tem truy xuất nguồn gốc nên hợp tác xã đã tạo dựng được uy tín với khách hàng, tăng được lượng rau bán ra thị trường (mỗi năm khoảng 800 tấn rau, củ, quả các loại). Hiện, gia vị và bí xanh của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Pháp, Đức…
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho biết, cùng với quản lý chặt chẽ việc trồng bưởi theo hướng VietGAP, tất cả sản phẩm bưởi Núi Bé đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt với bưởi Diễn trồng ở các nơi khác. Sản phẩm bưởi Diễn mang thương hiệu Núi Bé đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, mang lại doanh thu 500-600 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả từ minh bạch thông tin sản phẩm là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Nguyên nhân hàng đầu là do chi phí sản xuất tem truy xuất nguồn gốc tương đối lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh chia sẻ, việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất của hợp tác xã tăng 10-15%, nhưng lượng tiêu thụ tăng chưa tương ứng nên chưa đủ bù đắp.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thông tin thêm, hiện các hộ sản xuất nông sản an toàn đều thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, sau đó nhập thủ công lên máy tính và phải tiến hành nhiều lần mới có bộ thông tin sản phẩm đầy đủ để xuất mã tem. Mặt khác, trình độ của nhiều hộ sản xuất còn hạn chế nên việc ghi nhật ký sản xuất vẫn lúng túng. Ngoài ra, việc thực hiện mã QRcode mới dừng lại ở việc rõ địa chỉ, tên sản phẩm, thời gian sản xuất, trong khi nhiều đơn vị chưa thông tin được quy trình sản xuất, nuôi trồng…
Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Phương Nga
Đồng bộ các giải pháp
Thực tế cho thấy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc, theo Giám đốc Trung tâm Hội nhập và Phát triển (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phạm Thị Lý, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần sớm hoàn thiện số hóa thông tin về các vùng chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đăng ký, sử dụng mã QRcode, không để hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn.
Ở góc độ người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường đề xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý từ gốc chất lượng nông sản, thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy liên kết vùng, tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP…, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, cung ứng nông sản tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lịch sử, quy trình sản xuất; tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ tối đa các đơn vị, cá nhân sử dụng QRcode… Trước mắt, từ nay đến hết năm 2020, cấp thêm khoảng 1.400 bộ QRcode cho các sản phẩm đủ điều kiện.
"Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp mã, sử dụng QRcode… để thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin với người tiêu dùng Thủ đô", ông Tạ Văn Tường cho biết.