Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La
Cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là sự khẳng định về uy tín, chất lượng cà phê Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đến nay, sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Nhật, EU, Đức và nhiều thị trường khác; trở thành cây trồng chủ lực làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân ở nhiều vùng của huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố.
Hiện nay, toàn tỉnh có 17.804 ha cà phê, trồng chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và Thành phố, với sản lượng ước đạt 27.581 tấn cà phê nhân, trở thành tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của nước ta. Theo đánh giá của các nhà chuyên gia, một trong những yếu tố tạo lên hương vị nổi tiếng cho cà phê Sơn La là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La tương đương với vùng trồng cà phê Arabica nổi tiếng thế giới của Brazil.
Năm 2017, sản phẩm cà phê Arabica Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 6 doanh nghiệp, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Sơn La, cho biết: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa. Nói cách khác, phát triển chỉ dẫn địa lý cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được.
Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng nhãn hiệu cà phê Sơn La đã phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất cà phê năm 2020 của tỉnh ước đạt 789 tỷ 350 triệu đồng, chiếm 66,2% giá trị sản xuất cây công nghiệp lâu năm. Đã thu hút nhà đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, Công ty cổ phần Phúc Sinh, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 11/2018. Theo thiết kế, giai đoạn 1 Nhà máy có quy mô 4 ha, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, dây chuyền chế biến cà phê được đầu tư đồng bộ của tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê là Penagos - Columbia, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm. Từ đây, các sản phẩm cà phê chuẩn UTZ của Hà Lan và BRC của Anh mang thương hiệu Sơn La sẽ vươn xa tới các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Là một trong 6 đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La (Thành phố) hiện có 11 thành viên, quy mô 10 ha trồng cà phê, sản lượng đạt trên 100 tấn quả tươi. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao thông tin: Trước đây khi chưa được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, HTX chủ yếu thu mua sơ chế và ủy thác xuất khẩu còn bây giờ HTX chủ động trong việc xuất khẩu không phải thông qua khâu trung gian. Năm 2020 đã tiêu thụ và xuất khẩu được trên 2.000 tấn cà phê nhân, tổng doanh thu trên 60 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang đầu tư, xây dựng nhà xưởng sơ chế cà phê với công suất gần 20 tấn cà phê nhân nhân/ngày để liên kết, bao tiêu sản phẩm với 800 hộ dân trên địa bàn các xã của Thành phố.
Tiến sĩ Trịnh Văn Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Việc phát triển vùng sản xuất đi đôi với cải thiện chất lượng sản phẩm và có những chính sách hỗ trợ sản xuất, quảng bá thương hiệu, chọn được các sản phẩm chủ lực để quảng bá là những chủ trương đúng, trúng đã góp phần đưa lĩnh vực nông nghiệp trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của Sơn La. Để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La cần xây dựng hướng dẫn chung trong hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm định hướng cho các địa phương. Trong đó cần làm rõ các vấn đề như: Mục tiêu, yêu cầu trong quản lý chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là các giải pháp nhằm đảm bảo danh tiếng, chất lượng sản phẩm. Tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất đặc thù, gắn kết doanh nghiệp với vùng nguyên liệu và thúc đẩy thực hành sản xuất bắt buộc, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và gìn giữ các giá trị truyền thống. Gắn kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm OCOP tại các khu vực dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm chỉ dẫn địa lý nói riêng và các sản phẩm có chất lượng lợi thế của tỉnh.
Thực tế bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc sản địa phương được nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp các sản phẩm nổi tiếng khỏi bị lạm dụng danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, việc quản lý và phát triển các sản phẩm thương hiệu cộng đồng sau bảo hộ của tỉnh cần tiếp tục được các sở, ban ngành trong tỉnh chú trọng triển khai để khẳng định vị thế, giá trị cho cà phê Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế.