Quản lý vận hành hiệu quả dự án xanh: Từ thiết kế đến sử dụng năng lượng

c công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng. Việc quản lý vận hành dự án xanh cũng cần tập trung một cách toàn diện vào nhiều yếu tố từ khâu thiết kế, xây dựng hướng tới hiệu quả sử dụng tối đa nguồn năng lượng điện, nước, chất lượng không khí, các phương pháp quản lý tối ưu.

Báo điện tử Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật, Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật, Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội.

Ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật, Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội.

Thiết kế tối ưu, giảm chi phí vận hành

PV: Thưa ông, khâu thiết kế và xây dựng dự án xanh cần tập trung vào những yếu tố nào để đảm bảo hiệu quả sử dụng tối đa năng lượng và tài nguyên?

Ông Phạm Huy Tuấn: Có 7 yếu tố cần quan tâm trong khâu thiết kế và xây dựng dự án xanh. Hai yếu tố đầu tiên liên quan đến việc tận dụng các yếu tố tự nhiên, bao gồm, tối ưu hóa ánh sáng và trang bị hệ thống thông gió. Ví dụ, như thiết kế cửa sổ, giếng trời và hệ thống kính cường lực cách nhiệt để tận dụng ánh nắng tự nhiên; lắp đặt hệ thống che nắng tự động để giảm nhiệt trong mùa hè mà vẫn đảm bảo ánh sáng hay sử dụng thiết kế đối lưu để giảm phụ thuộc vào điều hòa không khí…

Các chủ đầu tư cũng cần chú trọng đến lựa chọn vật liệu bền vững, điển hình có vật liệu cách nhiệt, vật liệu tái chế. Đồng thời, các dự án nên có không gian xanh, được bố trí ở nhiều khu vực khác nhau như vườn trên mái, bức tường cây, thảm thực vật tại sân trong… giúp giảm nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí, tạo cảm giác dễ chịu cho cư dân.

Bên cạnh đó, dự án cần quan tâm 3 yếu tố về việc sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo, áp dụng các phương pháp quản lý nước hiệu quả và giám sát tiêu thụ tài nguyên thông qua hệ thống quản lý năng lượng trung tâm để tối ưu hóa tài nguyên, đảm bảo hiệu quả bền vững.

PV: Đối với tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh, sẽ sử dụng nguyên lý khí động học và bố trí như thế nào để tận dụng ánh sáng tự nhiên, gió tự nhiên giúp giảm chi phí năng lượng và cải thiện môi trường sống, thưa ông?

Ông Phạm Huy Tuấn: Thiết kế tòa nhà xanh với nguyên lý khí động học và bố trí hợp lý giúp tận dụng tối đa ánh sáng, gió tự nhiên, giảm chi phí năng lượng và cải thiện môi trường sống. Việc tối ưu hóa gió tự nhiên được thực hiện thông qua thiết kế tòa nhà với hình dạng giảm cản gió, như elip hoặc tam giác. Sử dụng hệ thống cửa sổ đối lưu và giếng trời giúp tăng hiệu quả thông gió. Đồng thời, cây xanh và mặt nước xung quanh tòa nhà hỗ trợ giảm nhiệt độ, mang lại luồng gió mát tự nhiên.

Về ánh sáng tự nhiên, sử dụng cửa sổ lớn, kính trong suốt hoặc giếng trời để thu ánh sáng tự nhiên vào ban ngày sẽ giảm nhu cầu sử dụng đèn điện. Việc lắp đặt lam chắn nắng hoặc lựa chọn màu sắc và vật liệu nội thất tối ưu hóa việc phân bổ, kiểm soát ánh sáng tự nhiên.

Các giải pháp năng lượng thụ động như mái xanh và vật liệu cách nhiệt cũng được áp dụng để kiểm soát nhiệt độ trong nhà, giảm tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, việc lắp đặt tấm pin mặt trời hoặc hệ thống thu hồi năng lượng giúp cung cấp nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí lâu dài.

Những thiết kế này không chỉ giảm chi phí vận hành 30 - 50% mà còn cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, nâng cao sự thoải mái và sức khỏe của cư dân. Đây chính là xu hướng phát triển đô thị bền vững, mang lại giá trị lâu dài cho cả con người và môi trường.

Tận dụng yếu tố tự nhiên trong thiết kế xanh. (Ảnh minh họa)

Tận dụng yếu tố tự nhiên trong thiết kế xanh. (Ảnh minh họa)

Tiết kiệm năng lượng và quản lý nguồn nước

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn việc lắp đặt tấm pin mặt trời hoặc hệ thống thu hồi năng lượng giúp cung cấp nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí lâu dài?

Ông Phạm Huy Tuấn: Tích hợp hệ thống năng lượng mặt trời, như các tấm pin quang điện trên mái hoặc mặt tiền tòa nhà là giải pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ điện từ lưới quốc gia, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị có công suất lớn như bếp từ.

Hệ thống này tạo ra nguồn điện từ ánh sáng mặt trời để sử dụng trực tiếp trong gia đình. Vào ban ngày, khi hệ thống đạt hiệu suất cao nhất, bếp từ có thể hoạt động nhờ nguồn điện này, giúp giảm phụ thuộc vào lưới điện. Điện dư thừa có thể được lưu trữ để sử dụng vào ban đêm, đảm bảo nguồn cung liên tục.

Với sự hỗ trợ của các giải pháp quản lý thông minh và lưu trữ năng lượng, hệ thống này không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng mà còn giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một bước tiến quan trọng hướng đến lối sống tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.

PV: Đối với nguồn nước thải và rác thải trong tòa nhà sẽ được quản lý như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, thưa ông?

Ông Phạm Huy Tuấn: Về vấn đề nước thải, tòa nhà có thể sử dụng bể tự hoại sinh học hoặc các hệ thống xử lý nước thải, tích hợp các công nghệ lọc, giúp loại bỏ chất ô nhiễm trước khi xả ra môi trường và xử lý nước thải thành nước tái sử dụng. Bên cạnh đó, nước mưa có thể được thu gom thông qua lắp đặt máng và thiết kế bể chứa, sau đó sử dụng cho mục đích tưới cây, làm mát hoặc bổ sung cho nước ngầm. Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước cũng giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt, giảm lượng nước tiêu thụ.

Về rác thải, các biện pháp có thể áp dụng gồm phân loại và tái chế tại nguồn, xử lý rác hữu cơ thành phân bón và quản lý rác thải nguy hại qua các hệ thống lưu trữ riêng biệt. Khuyến khích sử dụng vật liệu bền vững và triển khai các chương trình tái sử dụng cũng giúp giảm thiểu rác thải từ đầu nguồn. Hơn nữa, công nghệ giám sát thông minh, cùng với giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình xử lý và nâng cao ý thức cộng đồng.

Chiến dịch Plastic Detox do Đội ngũ Quản lý Bất động sản Savills tổ chức.

Chiến dịch Plastic Detox do Đội ngũ Quản lý Bất động sản Savills tổ chức.

PV: Để quản lý hiệu quả dự án xanh rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ chủ đầu tư, Ban Quản lý cũng như cư dân, khách thuê. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Huy Tuấn: Sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, Ban quản lý và cư dân, khách thuê đóng vai trò cốt lõi trong việc quản lý vận hành dự án xanh, giúp giảm xung đột, xử lý sự cố nhanh chóng, gia tăng uy tín của dự án trên thị trường, tiết kiệm chi phí dài hạn và đóng góp tích cực vào môi trường. Các bên liên quan cần đồng bộ hóa tầm nhìn và mục tiêu, đồng lòng thực hiện các giải pháp bền vững. Cư dân và khách thuê, người sử dụng trực tiếp các tiện ích, cần được tuyên truyền và khuyến khích tham gia vào lối sống xanh. Ban quản lý không thể giám sát hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ từ chủ đầu tư và cư dân.

Về phía khách thuê, cư dân, đây là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà. Do đó chủ đầu tư cũng cần khuyến khích đối tượng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn, hướng tới ESG như: Hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Yên Thư

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quan-ly-van-hanh-hieu-qua-du-an-xanh-tu-thiet-ke-den-su-dung-nang-luong-391909.html