Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Mở rộng phạm vi với 'doanh nghiệp F2'

Chiều ngày 10/7, tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Quản lý theo dòng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tại cuộc tọa đàm, một trong nhiều nội dung mới của dự thảo được các doanh nghiệp quan tâm là về đối tượng áp dụng.

Luật số 69 hiện quy định Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ đó dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm chiều 10/7. Ảnh: Gia Hân

Toàn cảnh cuộc tọa đàm chiều 10/7. Ảnh: Gia Hân

Khắc phục vấn đề này, dự thảo Luật mới xác định đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.

Trước đó, Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ khi đề nghị xây dựng Luật để xác định "doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác" là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), qua nghiên cứu, Bộ Tài chính nhận thấy trường hợp xác định "doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác" là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ sẽ dẫn đến các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dưới 100% vốn điều lệ sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.

Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác có quy mô vốn đầu tư của nhà nước rất lớn, có ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế - xã hội của đất nước, có số lượng lao động nhiều... Do vậy cần thiết phải xác định là đối tượng điều chỉnh để quy định cụ thể những nội dung quản lý, làm cơ sở cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý nhà nước.

“Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý khi Luật được ban hành, không thống nhất với nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư và việc theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình đầu tư vốn của Nhà nước sẽ không được thống nhất, không phản ánh được đầy đủ, kịp thời, toàn diện tình hình đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh cho hay.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, trường hợp không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh để xác định đối tượng điều chỉnh của Luật mà giao toàn quyền cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quy định hoặc quyết định sẽ không đảm bảo thống nhất về chế độ báo cáo và không có cơ sở, căn cứ pháp lý để các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp F1 - PV) và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” (doanh nghiệp F2 - PV).

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc VNPT bày tỏ sự đồng tình với nguyên tắc mở rộng phạm vi quản lý tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông lưu ý việc mở rộng này nên thực hiện với điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa ở từng nội dung, từng cấp bậc trong quản lý. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp F2 vốn đã phải xin ý kiến rất nhiều khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nhiều nội dung nếu được giao cho tập đoàn (doanh nghiệp F1) quyết định thì sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Đình Danh phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Đình Danh phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Do đó, đại diện VNPT cho rằng, nếu việc mở rộng phạm vi tới toàn bộ doanh nghiệp F2 được gắn với phân cấp, phân quyền mạnh hơn thì sẽ là “vẹn toàn”, bởi Nhà nước quản lý được hết dòng vốn, lại vừa tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp”.

Quản lý doanh nghiệp F2 như thế nào để đảm bảo khả thi, hiệu quả cũng là vấn đề đại diện một số doanh nghiệp viễn thông như Vinaphone, Mobifone quan tâm. Có ý kiến băn khoăn khi mở rộng phạm vi quản lý liệu có quá tải cho các cơ quan khi phải cho ý kiến, làm kéo dài thời gian quyết định các vấn đề của doanh nghiệp?

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch HĐTV Mobifone, quan điểm Nhà nước quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhiều hoạt động giao thao giữa các nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau. Do đó, Luật nên thiết kế nguyên tắc để có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý vốn và cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cũng mong muốn dự thảo Luật lần này tháo gỡ được các vướng mắc, chồng chéo với các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các nghị định, thông tư hiện hành; tham khảo áp dụng các thông lệ tiên tiến về quản trị doanh nghiệp nhà nước…

Phát biểu làm rõ những nội dung doanh nghiệp băn khoăn, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, đối tượng điều chỉnh tại dự thảo gồm các doanh nghiệp F1 và doanh nghiệp khác, nhằm mục đích quản lý theo dòng tiền. Đi cùng với đó là sự phân cấp, phân quyền, không phải toàn bộ các doanh nghiệp F2 phải được quản lý như doanh nghiệp F1.

"Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay" - đại diện cơ quan soạn thảo cho hay./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-mo-rong-pham-vi-voi-doanh-nghiep-f2-154693.html