Quản lý xe khách trá hình bằng công nghệ thông minh
Ông Mai Văn Trình, chủ nhà xe chạy chuyên tuyến Quảng Ninh – Nam Định nhận định, nếu cơ quan quản lý có được biện pháp quản lý hiệu quả thì cũng có nghĩa là doanh nghiệp vận tải khách được sân chơi chung lành mạnh, công khai, minh bạch.
Ở bất kỳ địa phương nào, từ nông thôn đến thành thị, người dân có nhu cầu di chuyển bằng xe khách chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi là có xe đến đón tại nhà và đưa đến tận nơi. Các chủ phương tiện đã hợp thức hóa danh sách hành khách bằng hợp đồng viết tay, sau đó thản nhiên đón trả khách như xe tuyến cố định, không chỉ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải thông thường, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác trong hoạt động vận tải khách đường bộ…
Bùng nổ theo… nhu cầu
Nằm cách Trung tâm TP Hải Phòng hơn 20km, ở thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) nhưng mỗi lần đi Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Nghĩa thay phải ra bến xe lớn mà chỉ cần liên hệ điện thoại là có xe đến đón tận nhà. Anh Nghĩa cho biết mặc dù giá vé cao hơn gấp đôi, nhưng bù lại mình được đi xe Limousine chất lượng cao, đúng giờ khởi hành theo đường cao tốc, sau đó được đưa đến nơi, kể cả trong nội thành Hà Nội.
Còn từ Trung tâm TP Hải Phòng đi Quảng Ninh tần suất chỉ khoảng 10 đến 15 phút có một chuyến, thay vì phải ra bến Lạc Long chờ đợi như trước đây, nhiều người cũng chuyển sang đi xe Limousine để được đưa đón tận nơi…
Trước nhu cầu người dân đi lại tăng cao, xe khách trá hình hợp đồng bùng nổ. Tại địa bàn “nóng” về giao thông đó là tỉnh Quảng Ninh, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) số lượng xe khách truyền thống trên địa bàn trong vòng từ giữa năm 2017 đến nay giảm hơn 100 đầu phương tiện. Cụ thể là từ 700 đầu xe, đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 601 xe hoạt động tại 135 tuyến. Trong khi số lượng xe hợp đồng lại tăng mạnh, lên đến con số gần 1.200, tăng hơn 400 phương tiện.
Còn tại Hải Phòng, từ đầu năm 2018 bến xe Thượng Lý có hơn 150 chuyến xe chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh, nhưng hiện tại chỉ còn 65 chuyến. Các xe còn lại đã xin bỏ bến với nhiều lý do, nhưng thực chất là bỏ xe 29 chỗ, chấp nhận bán xe lỗ đầu tư xe nhỏ để chạy dù theo hình thức “hợp đồng”, cạnh tranh với những “xe dù” khác.
Thực tế cho thấy Limousine “trá hình” dưới 10 chỗ bắt đầu phát sinh từ khi Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT ra đời, cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng. Theo đó hàng loạt xe 16 chỗ thông thường sau khi được cải hoán thành 9-10 chỗ, gắn biển xe hợp đồng là như một lá “bùa hộ mệnh”, thoải mái đón trả khách như xe tuyến cố định, vào một giờ cố định, có tần suất xe chạy như xe khách thông thường..
Tình trạng này đang gây áp lực nặng nề lên các tuyến đường, thất thu thuế khi xe hợp đồng không tổ chức bán vé. Bên cạnh đó, do xe hợp đồng gia tăng đã khiến những doanh nghiệp vận tải khách thông thường bị mất khách, thu hẹp thị phần, dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh.
Đại úy Phạm Đức Dương, Đội trưởng Đội CSGT – TT - CĐ (Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, các xe đều hợp thức hóa danh sách hành khách bằng cách viết tay nhưng không thể quy chiếu vào đâu để bắt lỗi vi phạm. Trong khi đó loại xe Limousine đăng ký xe hợp đồng nhưng dưới 10 chỗ lại không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT.
Sử dụng công nghệ để quản lý
Không thể phủ nhận tiện ích của loại hình xe Limousine, rất nhanh, đúng giờ, chất lượng dịch vụ tốt. Trong khi thực trạng các xe tuyến cố định hiện nay có chất lượng dịch vụ thấp, dịch vụ cung ứng từ bến xe tới các điểm đón khách chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn di chuyển của khách, thời gian di chuyển kéo dài…
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh Bùi Hồng Minh, với việc kinh doanh theo hình thức “hợp đồng trá hình” như hiện nay tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định, do không có công cụ quản lý thuế, không phải nộp tiền dịch vụ bến xe, nhất là đối với xe hợp đồng Limousine dưới 10 chỗ không phải thông báo hợp đồng trước mỗi chuyến đi với cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, thay vì không quản được thì… cấm, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng phương án quản lý bằng công nghệ đối với loại hình vận tải bằng xe “hợp đồng trá hình” Limousine. Cụ thể là sẽ đề xuất thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hoạt động vận tải”, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp chuyên ngành của Sở GTVT mà không thành lập bộ máy mới với nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện các vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, hệ thống giao thông thông minh của tỉnh. Kiểm soát hoạt động xe hợp đồng bằng công nghệ thông tin, sau đó thống kê phục vụ công tác thu thuế, chỉ đạo điều hành của địa phương…
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị được thí điểm triển khai mô hình quản lý mới nói trên, đồng thời đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép chia sẻ dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình để kiểm soát phương tiện thuộc địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó phần mềm kết nối hành khách với đơn vị vận tải theo loại hình hợp đồng và tuyến cố định để đảm bảo công bằng về quản lý vận tải khách và nghĩa vụ nộp thuế giữa hai loại hình này.
Là một trong những doanh nghiệp có số lượng lớn xe khách chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh, đại diện Công ty TNHH P.H cho biết, thay vì cấm đoán, việc đưa loại hình kinh doanh mới này vào quản lý là phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
Ông Mai Văn Trình, chủ nhà xe chạy chuyên tuyến Quảng Ninh – Nam Định nhận định, nếu cơ quan quản lý có được biện pháp quản lý hiệu quả thì cũng có nghĩa là doanh nghiệp vận tải khách được sân chơi chung lành mạnh, công khai, minh bạch. Một mặt, các doanh nghiệp đang hoạt động lách luật theo hình thức “hợp đồng” sẽ phải tuân thủ các quy định về vận tải hành khách đường bộ, cũng như nghĩa vụ thuế với nhà nước, mặt khác các doanh nghiệp vận tải truyền thống nếu không muốn tự loại mình cũng sẽ phải thay đổi phương thức kinh doanh, có chiến lược phát triển bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn.