Ngạn ngữ phương Tây từ xa xưa đã có câu “rèn khi sắt còn nóng”, có nghĩa là khi sắt còn nóng, có tính mềm nên dễ dàng tạo hình. Nếu để nguội, sắt cứng lại, khó có thể rèn. Giờ đây, sau khi chiếm được thị trấn chiến lược Avdiivka, quân Nga cũng áp dụng chiến lược này.
Ngay sau khi cắm cờ chiến thắng ở Avdiivka, quân Nga nhanh chóng quay mũi nhọn tấn công Ukraine theo hướng Zaporozhye. Theo truyền thông Nga, bộ binh cơ giới của Nga, được hỗ trợ bởi không quân và pháo binh, hiện đang tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực Rabotino; chiến địa của Ukraine trong cuộc phản công mùa hè vừa qua.
Trước sự tấn công mãnh liệt của quân Nga, Quân đội Ukraine hiện không thể chống chọi được và đã rút lui từ khu vực Rabotino về phía tây và phía nam cách thị trấn Orekhov 9 km. Đánh giá tình hình hiện tại, sau khi mất Avdiivka, khả năng cao là Rabotino sẽ không thể giữ được.
Trên thực tế, từ thông tin về các trận đánh của Nga và Ukraine trong giai đoạn này, chúng ta có thể biết Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn trên chiến trường Ukraine từ 5 địa điểm gồm: Avdiivka, Marinka, Kreminna, Bakhmut và Rabotino.
Trong đó, bốn địa điểm đầu tiên đều ở khu vực Donbass, chỉ có Rabotino là ở tỉnh Zaporozhye, hơn nữa Quân đội Nga đã thành công chiếm được Bakhmut, Avdiivka và Marinka; có thể nói là đã đạt được thành công về phía Donbass.
Trong tình huống này, Quân đội Nga bất ngờ tổ chức tấn công ở hướng phía nam và phát động một cuộc tấn công quy mô lớn từ hướng Rabotino, nơi chắc chắn có những cân nhắc chiến lược và chiến thuật quan trọng.
Trước hết, xét về mặt chiến lược, vùng Donbass là nơi diễn ra các trận đánh chính giữa Quân đội Nga và Ukraine, bởi vùng Donbass rất giàu tài nguyên nông nghiệp, khoáng sản và cũng là vùng công nghiệp quan trọng của Ukraine.
Nga phải bám trụ ở Donbass để đảm bảo an ninh cho 4 tỉnh phía đông Ukraine mà nước này chiếm đóng. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2022, Donbass đã trở thành chiến trường chính giữa Nga và Ukraine, hai bên đã tập trung quân về đây và nhiều trận đánh ác liệt diễn ra.
Do phần lớn lực lượng chính của Quân đội Ukraine tập trung ở khu vực Donbass dẫn đến Quân đội Ukraine ở khu vực Zaporozhye và Kherson có khả năng chiến đấu yếu. Nhưng với lực lượng vượt trội, quân Nga đã chiếm hai thị trấn quan trọng ở Donbass là Avdiivka và Marinka.
Quân chủ lực của Ukraine ở hai khu vực này đã bị tổn thất nặng nề, lúc này là lúc “người và ngựa” kiệt sức, nên quân Nga chớp thời cơ, tung đòn dứt khoát tấn công bất ngờ vào Rabotino. Do các lực lượng đã đuối sức, nên quân chủ Ukraine không thể kịp thời ứng cứu.
Thứ hai, đối với Quân đội Ukraine hiện nay đang phải đối mặt với tình thế khó khăn nhất kể từ sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, đó là viện trợ từ phương Tây tạm thời bị gián đoạn. Cùng với đó là sức mạnh quốc gia toàn diện của Ukraine, đặc biệt là sức mạnh công nghiệp, không thể so sánh với Nga.
Do vậy sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ukraine gần như phải hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ vũ khí từ các nước phương Tây để chiến đấu; nhưng từ cuối tháng 12 năm ngoái, quỹ viện trợ cho Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua đã được sử dụng hết.
Do viện trợ quân sự của Mỹ chiếm khoảng 44% tổng viện trợ nước ngoài cho Ukraine, nên việc Mỹ đình chỉ viện trợ bất ngờ, khiến Ukraine gặp khó khăn; đặc biệt là nguồn đạn pháo đã cạn kiệt.
Mặc dù 3 nước lớn của NATO ở châu Âu là Anh, Đức và Pháp đều đã ký thỏa thuận viện trợ cho Ukraine trong 10 năm, nhưng rõ ràng rất khó để thực hiện thỏa thuận viện trợ trong ngắn hạn; do vậy Quân đội Ukraine hiện gần như không có đạn pháo.
Theo báo cáo từ chỉ huy mặt trận của Quân đội Ukraine, hỏa lực của Quân đội Nga gấp hơn 10 lần so với Quân đội Ukraine. Việc Quân đội Ukraine rút khỏi Avdiivka và Rabotino là bằng chứng rõ nhất.
Trong hoàn cảnh đó, Quân đội Nga tất nhiên phải tăng cường cường độ tấn công càng sớm càng tốt để mở rộng khu vực chiếm đóng càng nhiều càng có lợi thế, trước khi NATO tiếp tục bổ sung vũ khí, đạn dược; nhằm làm suy yếu khả năng chiến đấu của Ukraine.
Thứ ba, về mặt chiến thuật, Nga và Ukraine hiện đang giao tranh qua lại trên vùng đồng bằng phía đông Ukraine, việc bảo vệ vùng đồng bằng này không có nguy cơ xảy ra. Nhưng trong tương lai, nếu Nga muốn xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh, họ phải cố gắng tiến tới sông Dnieper.
Chỉ có dựa vào sông mẹ Dnieper rộng lớn, làm tuyến phòng thủ tự nhiên, Nga thực sự mới có thể cầm cự lâu dài mà không phải trả giá đắt. Quân đội Nga hiện đang ở thời kỳ đỉnh cao, còn Ukraine lại đang yếu nhất, nên Nga phải nắm bắt cơ hội này và đẩy mặt trận càng xa càng tốt.
Tỉnh Zaporozhye ở miền nam Ukraine nằm sát sông Dnieper; việc Nga mở cuộc tấn công trên hướng này, là đẩy mặt trận ra bờ sông; qua đó bảo đảm an ninh cho mặt trận phía nam trong công cuộc phòng thủ sau này.
Cuối cùng, Quân đội Nga liên tục phát động các chiến dịch tấn công quy mô lớn vào thời điểm này, điều này cũng làm tổn hại đến nhuệ khí của Quân đội Ukraine và việc thay tướng chắc chắn làm “xao động” tinh thần binh sĩ.
Do việc điều chuyển các tướng lĩnh cấp cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến tinh thần Quân đội Ukraine, nên ngay sau khi Tướng Syrskyi lên nắm quyền Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, Quân đội Nga đã ngay lập tức phát động cuộc tấn công quy mô lớn, bao gồm Avdiivka, Rabotino.
Đòn tấn công tổng lực này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của Quân đội Ukraine và cả cho Tướng Syrskyi; đồng thời làm tổn hại thêm đến tinh thần vốn đã xuống thấp của Quân đội Ukraine.
Đánh giá về môi trường chiến lược và chiến thuật hiện nay, mặc dù các nước NATO vẫn kiên quyết cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, nên sẽ mất ít nhất một thời gian để thực hiện các cam kết trước đó với Ukraine.
Ngay cả trong điều kiện vũ khí, đạn dược do phương Tây cung cấp đầy đủ, Ukraine cũng sẽ phải mất một thời gian dài để huấn luyện quân đội, trước khi có thể lấy lại hiệu quả chiến đấu. Trước đó, Ukraine thiếu quân và đạn pháo trầm trọng, đồng thời đặt ra dấu hỏi lớn là liệu nước này có giữ được quyền kiểm soát tỉnh Zaporizhia nữa hay không? (Nguồn ảnh: Topwar, CNN, Reuters)
Tiến Minh (Theo Sina)