Quân nổi dậy Iraq ra điều kiện với Mỹ để đình chiến
Trước những cảnh báo của Mỹ cùng một số quốc gia khác về việc đóng cửa các cơ quan ngoại giao ở Iraq do các cuộc tấn công pháo kích nhắm vào các cơ quan này ở khu vực Vùng Xanh ở Baghdad ngày càng gia tăng, quân nổi dậy Iraq đã đồng ý 'thỏa hiệp' đình chiến kèm điều kiện yêu cầu Mỹ phải rút quân.
Hãng tin AP đưa tin, các nhóm dân quân nổi dậy ở Iraq đã đồng ý tạm ngừng các cuộc tấn công nhằm vào sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này, với điều kiện liên quân do Mỹ dẫn đầu phải rút khỏi Iraq.
Cũng theo AP, Cơ quan điều phối lực lượng nổi dậy Iraq, được cho là bao gồm các tổ chức Kataib Hezbollah, Asaib Ahl al-Haq và Harakat al-Nujaba, bước đầu đã có những động thái "thiện chí" khi đưa ra tuyên bố ngừng các hoạt động chống lại các quốc gia đang hiện diện tại Iraq, đặc biệt là các lực lượng và lợi ích của Mỹ.
Trước đó, Mohammed Mohie, phát ngôn viên của Kataib Hezbollah, cho biết “lực lượng quân nổi dậy đã đề nghị đình chiến và sẽ không có những hành động quân sự nhằm vào Mỹ ở Iraq, trong đó bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ, với điều kiện Mỹ phải rút quân trong một khoảng thời gian có thể chấp nhận được. "Ngược lại, nếu Washington không rút quân, các phe nổi dậy sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự với tất cả khả năng sẵn có”, ông Mohie tuyên bố.
Hiện chưa rõ tuyên bố đình chiến này sẽ có hiệu lực trong bao lâu, vì dường như đây mới chỉ là cái kết "mở" cho những xung đột kéo dài suốt hàng thập kỷ qua ở Iraq.
Việc các đại sứ quán, trong đó có đại sứ quán Mỹ đặt tại Vùng Xanh của Baghdad thường xuyên bị pháo kích đã khiến chính quyền của Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi nhận được lời đe dọa đóng cửa vĩnh viễn các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Iraq của một số "ông lớn". Và, mặc dù không có nhóm nào chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm cho những vụ tấn công trên nhưng Washington đã đổ lỗi cho những gì mà họ mô tả là lực lượng quân nổi dậy được Iran hậu thuẫn.
Rõ ràng là Baghdad không thể làm ngơ trước những lời đe dọa của Mỹ và một số nước khác, vì nếu đóng cửa các đại sứ quán, cũng đồng nghĩa với việc sẽ cắt đứt sợi dây liên kết duy nhất giữa Iraq và phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ "cực kỳ nguy hiểm" nếu xét đến những thách thức mà Baghdad đang phải đối mặt.