'Quân pháo' trên bàn cờ chính trị Trung Đông
Hamas là tên viết tắt của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo, từ một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo tại Palestine.
Hamas bao gồm 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm các thủ lĩnh địa phương hoạt động tại Bờ Tây và Dải Gaza; nhóm thứ hai gồm các thủ lĩnh hoạt động công khai tại nước ngoài, hay còn gọi là “nhánh chính trị”; nhóm thứ ba là các thủ lĩnh quốc tế thuộc phong trào Anh em Hồi giáo.
Các nhóm hoạt động trong lãnh thổ Palestine chịu trách nhiệm giải quyết các công việc hàng ngày và xây dựng bộ máy tổ chức, còn các lực lượng bên ngoài chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn tài trợ và tăng cường hỗ trợ đối với tổ chức này.
Ngân sách hàng năm của Hamas vào khoảng 70 triệu USD. Phần lớn những nguồn hỗ trợ tài chính của tổ chức này xuất phát từ những người Palestine ở nước ngoài, các nhà tài trợ tư nhân ở Trung Đông và các tổ chức từ thiện Hồi giáo phương Tây. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể về kinh tế cũng như vũ khí từ phía Iran.
Ngoài ra, kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 và nắm được vị trí chính quyền, Hamas có thể sử dụng nguồn tài chính công.
Mục tiêu lâu dài của Hamas là chiến đấu với Nhà nước Israel, thành lập một Nhà nước Hồi giáo trên miền đất trước kia thuộc về Palestine nhưng giờ đây hầu hết nằm bên trong đường biên giới của Israel, xây dựng các chuẩn mực Hồi giáo trên toàn lãnh thổ Palestine với khẩu hiệu “Giương cao ngọn cờ của Thánh Allah trên mỗi tấc đất của Palestine”.
Hamas tuyên bố dù trong bất cứ tình hình nào cũng không thỏa hiệp các nguyên tắc cơ bản của họ, không thương mại hóa chính trị vì tiền từ cộng đồng quốc tế.
Từ giữa những năm 1990, Hamas bắt đầu thực hiện các vụ đánh bom tự sát vào Israel.
Sau nhiều năm tẩy chay bầu cử, năm 2006 Hamas lần đầu tham gia bầu cử Quốc hội Palestine dưới tên Đảng Cải cách và giành chiến thắng vang dội, chiếm đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Palestine. Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya được bổ nhiệm làm Thủ tướng Palestine.
Nhưng chỉ 1 năm sau đó, ông này bị sa thải khi người đứng đầu Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas giải tán chính phủ. Tuy nhiên, trên thực thế, ông Haniya vẫn tiếp tục giữ vai trò thủ lĩnh chính trị ở Gaza.
Về mặt sách lược, Hamas sẵn sàng đàm phán ngừng bắn dài hạn với Israel, nhưng Israel phải rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng theo đường biên giới trước năm 1967 nối giữa dải Gaza và Bờ Tây, thả tất cả các tù nhân Palestine. Mặt khác, để duy trì sức mạnh quân sự, Hamas không giải giáp hoặc giải tán “Lữ đoàn tử vì đạo” (Al-Aqassam).
Chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài với Israel, ngoài việc cải tiến nâng cao tầm bắn rocket và huấn luyện tốt hơn cho các chiến binh, Hamas đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng hệ thống đường hầm làm bàn đạp tấn công.
Hệ thống đường hầm được mở rộng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng… nhằm đối phó với sự phong tỏa của Israel. Đây cũng là cửa giao dịch duy nhất của Gaza với thế giới qua cửa khẩu Rafah. Chính vì vậy, các đường hầm là mục tiêu công kích hàng đầu của phía Israel.
Bất chấp việc Hamas đã tạo ra một mạng lưới các tổ chức từ thiện, trường học và trạm y tế ở Bờ Tây và Gaza, Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu luôn xem Hamas là một tổ chức khủng bố.
Quan chức Israel, ông Mark Regev từng nói: "Hamas là kẻ thù của hòa bình. Mục đích của họ là phá hủy Nhà nước Israel."
Dù có đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel, song “cỗ pháo” Hamas luôn sẵn sàng nhả đạn vào Israel như một giải pháp để thực hiện mục tiêu cuối cùng của họ, đồng thời kiểm soát tình hình nội bộ Palestine và gây áp lực với Tổng thống Palestine M. Abbas.