Quằn quại một dòng Lô: Đất chùa cũng không yên

Diện tích cấp mỏ khai thác cát sỏi chỉ một vài lãnh đạo cơ sở biết, dân không hay bởi không đầy đủ cột mốc, hoa tiêu, biển báo. Lợi dụng việc này, các doanh nghiệp cứ 'gặm nhấm' vào đất hoa màu, một phần mưu sinh của bà con nông dân các huyện dọc sông Lô (Phú Thọ). Thậm chí, đe dọa cả đất chùa.

Tàu của Cty Tự Lập ồ ạt khai thác cát sát bờ đê, đe dọa an toàn đê điều ở xã Sông Lô, TP Việt Trì. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Tàu của Cty Tự Lập ồ ạt khai thác cát sát bờ đê, đe dọa an toàn đê điều ở xã Sông Lô, TP Việt Trì. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chùa cũng không yên

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sông Lô đoạn qua địa bàn thành phố Việt Trì chỉ có 2-3 doanh nghiệp (DN) được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi. Tuy nhiên, xung quanh ranh giới không được cắm mốc tiêu rõ ràng của các DN này thường xuyên xuất hiện các tàu hút, tàu gầu lạ đến múc cát, không biển tên, biển số. Chưa kể, bên trong khu mỏ được cấp cho các DN, số lượng tàu khai thác thường vượt gấp nhiều lần số được cấp phép. Đó là lý do vì sao cát dưới lòng sông ở khu mỏ được cấp thường nhanh chóng cạn kiệt, các tàu hút luôn tìm cách vươn vòi quá ranh giới, thậm chí neo đậu gần bờ để múc đất nông nghiệp, hút trộm cát bên dưới, gây sạt lở nghiêm trọng.

Đơn cử, khúc sông Lô phía sau khu vực bến thủy nội địa Ánh Nhật của Cty TNHH Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Ánh Nhật (thuộc địa bàn khu 1, xã Trưng Vương), có 2 vị trí sạt lở với chiều dài khoảng 200m (dọc theo bờ sông), chiều rộng khoảng 20m, độ sâu sạt lở khoảng 2m so với vị trí ban đầu khi giao đất cho Cty vào năm 2013. Nguyên nhân bên cạnh yếu tố thiên nhiên như một số lãnh đạo xã này nhận định còn có hệ lụy của nạn hút trộm cát.

Đáng chú ý, lợi dụng việc được ngôi chùa Quế Lâm (xã sông Lô, TP Việt Trì) uy nghi, đồ sộ che khuất tầm nhìn, một số đối tượng đã cho tàu vào hút trộm cát khu vực sông sau chùa. Theo tu sĩ Thích Đạo Bi (chùa Quế Lâm), nạn cát tặc nhức nhối nhất vào năm 2019. Lúc đỉnh điểm cả chục tàu cùng đến hút cát xuyên ngày đêm.

“Trước đây, bãi đất ven đê từ bờ tường của chùa ra tới sông dài khoảng 300m, bạt ngàn chuối, ngô. Đến nay, khu đất trên dần biến mất, chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 10m là tới sông. Nhà chùa nhiều lần phản ánh lên xã Sông Lô nhưng lãnh đạo xã đề nghị phản ánh lên cấp trên vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của họ”, tu sĩ Thích Đạo Bi cho hay.

Đầu tháng 3/2020, chính tu sĩ Thích Đạo Bi phát hiện ngày nào cũng có 2 tàu cẩu gầu vào xúc cát khu vực sông sau chùa. Nạn hút cát trộm không chỉ đe dọa an toàn của chùa Quế Lâm mà còn gây mất an toàn cho hệ thống đường dây điện cao thế chạy qua địa bàn TP Việt Trì khi diện tích đất xung quanh hai cột điện phía dưới chùa Quế Lâm đã bị cát tặc hút sát rịt.

Tại các khu vực bãi Bến Lấp, Cửa Sộp, Ba Hàng thuộc khu 3, xuống tới khu 5 xã Sông Lô (TP Việt Trì), do bị khai thác cát trái phép nên hơn 2.000 m2 đất trồng ngô bãi bồi của người dân đã biến mất.

DN khai thác ngoài ranh giới?

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tại địa bàn TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã cấp phép cho Cty TNHH Cát Vàng khai thác đất cát san lấp, cát xây dựng sông Lô ở bãi Soi Dầu thuộc xã Trưng Vương và phường Dữu Lâu với thời hạn 5 năm (từ tháng 6/2016 đến 6/2021). Diện tích khai thác hơn 15ha. Ngoài lệ phí giấy phép khoảng 20 triệu đồng thì Cty này chỉ cần đóng thêm 19,7 tỷ đồng tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước (trong đó có 2,05 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản).

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực mỏ được cấp phép, trên phần diện tích đất liền, Cty Cát Vàng khai thác sâu vào tận 2 gốc cây gạo cổ thụ. Do sợ cây đổ, điềm xấu đến nên Cty này phải khai thác tiếp ra các hướng xung quanh.

Còn tại địa bàn xã sông Lô, tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty TNHH xây dựng Tự Lập (Cty Tự Lập) khai thác cát, sỏi cũng với thời hạn 5 năm, kể từ 23/2/2018. Diện tích cấp giấy phép khai thác khoáng sản 23ha. Lạ thay, cùng thời hạn 5 năm, diện tích lớn hơn, nhưng Cty Tự Lập chỉ phải đóng 20 triệu đồng lệ phí giấy phép, 4,6 tỷ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tỉnh Phú Thọ.

Đáng chú ý, theo giấy phép các Cty trên chỉ được khai thác không vượt quá độ sâu 2m. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của Tiền Phong, một chiếc gàu cát ở đây ở thể múc sâu tới 30m.

Tại khúc sông thuộc địa phần xã Sông Lô, liên tiếp những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Tiền Phong ghi nhận khu vực khai thác cát của Cty Tự Lập thường xuyên có trên dưới 10 tàu cẩu dây văng, gầu quăng (gồm tàu chở cát và phao chở cẩu, gầu quăng) công suất lớn. Một số tàu cẩu dây văng tiến sát cách bờ đê chỉ khoảng 10m, cách cột điện cao thế chỉ 15m, trong khi theo quy định, việc khai thác cát phải cách hai bên bờ sông tối thiểu 70m.

Theo một người dân khai thác cát lâu năm ở sông Lô, với loại tàu cẩu có gắn dây văng, gầu quăng có thể múc cát ở dưới lòng sông tới độ sâu tối đa 50m. Và chỉ khoảng 3 tiếng, con tàu chở cát có trọng lượng 300m3 sẽ đầy ắp. Nếu mỗi ngày chiếc tàu này chỉ cần làm 2 chuyến (với tổng trọng lượng 600m3) thì chủ tàu đã đút túi cả một đống tiền. Lẽ bởi, nếu tính mức giá trung bình khoảng 150 ngàn đồng/m3 cát vàng, đồng nghĩa với việc sau hai chuyến tận thu, số tiền thu về từ việc bán cát cũng được khoảng 100 triệu đồng/tàu. Trong khi khung giờ các DN được khai thác lên tới 12h (từ 6h-18h), và lượng tàu vượt quy định.

Như vậy, với thời hạn cấp phép khai thác lên tới 5 năm, khoản lợi nhuận mà các DN khai thác cát như Tự Lập, Cát Vàng thu được rất khủng. Nhất là khi việc khai thác của các DN thường xuyên không đúng vị trí, ranh giới, trữ lượng cát sỏi như trong giấy phép.

Cát tặc hút trộm đất cát, đe dọa an toàn đê điều và chùa Quế Lâm (xã Sông Lô, TP Việt Trì). Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cát tặc hút trộm đất cát, đe dọa an toàn đê điều và chùa Quế Lâm (xã Sông Lô, TP Việt Trì). Ảnh: Tuấn Nguyễn

Khoảng 14h30 ngày 17/2/2020, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ kiểm tra đối tượng Hán Đức Chính (SN 1991, ở xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh) đang trực tiếp chỉ đạo khai thác cát trên sông Lô.
Vào thời điểm trên, Chính đang chỉ đạo Nguyễn Văn Hợp (SN 1988, ở Quảng Bình) điều khiển, vận hành 1 phao đặt cẩu gắn sàng (số đăng ký PT-1884) khai thác cát tại lòng sông Lô (thuộc khu 1, xã Trưng Vương, TP Việt Trì) lên khoang chứa hàng của xà lan (số đăng ký VP-1210) do Bùi Ngọc Tú (SN 1979, ở xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển. Số cát khai thác được là 89,1m3.
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng trên không xuất trình được giấy phép khai thác cát do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Phú Thọ đã lập biên bản kiểm tra và tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm, tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa) Nhóm PVĐT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/quan-quai-mot-dong-lo-ky-2-bat-on-1628917.tpo