Quán quân cổ phiếu tăng giá 20 lần trong năm
Sự 'điên rồ' của dòng tiền giúp thị trường chứng khoán ghi nhận có đến 6 mã tăng hơn 1.000% trong năm vừa qua.
Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2021 phát triển mạnh mẽ cả về quy mô thị trường lẫn điểm số. VN-Index kết thúc năm ở 1.498 điểm, tăng gần 36% và xấp xỉ vùng đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa tháng 11/2021.
Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cao đột biến khi các hoạt động kinh doanh khác bị ngừng trệ, chứng khoán với ưu điểm thanh khoản cao nhanh chóng hút dòng tiền và trở thành kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu cho dòng tiền nhàn rỗi.
Nhà đầu tư nối tay nhau gia nhập giúp thị trường sôi động hơn bao giờ hết. Dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu đã hỗ trợ chỉ số đi lên, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. "Cơn say" chứng khoán cũng tạo nên nhiều diễn biến bất ngờ khi có đến 6 cổ phiếu ghi nhận mức tăng hàng chục lần trong năm vừa qua.
6 mã tăng trên 1.000%
Đầu tư lãi bằng lần là điều khá hiếm gặp trong chứng khoán, nhưng với một năm điên rồ của dòng tiền đầu cơ thì toàn thị trường ghi nhận con số kỷ lục 483 cổ phiếu tăng giá trên 100% (cao hơn nhiều so với 158 mã trong năm 2020). Đây là con số rất lớn khi toàn thị trường chỉ có hơn 1.700 mã cổ phiếu.
Trong số đó, thị trường thậm chí còn xuất hiện 6 trường hợp cổ phiếu phi nước đại đến hàng chục lần, nhà đầu tư vào đúng thời điểm có thể thu về tỷ suất sinh lời đáng mơ ước nhất trong lịch sử 21 năm của chứng khoán Việt Nam.
Dẫn đầu về tốc độ tăng giá chính là mã ATA của Công ty cổ phần NTACO với mức tăng hơn 20 lần, đây là một doanh nghiệp chuyên về chế biến thủy sản nhỏ với hoạt động không có nhiều nổi trội, lỗ liên tiếp giai đoạn 2017-2020.
Dù đã tăng rất mạnh nhưng ATA vẫn nằm trong diện những cổ phiếu có thị giá thấp trên sàn khi đóng cửa ở mức 4.123 đồng/cổ phiếu tại thời điểm cuối năm. Mã chứng khoán này bị hạn chế giao dịch nên chỉ được khớp lệnh vào thứ 6 hàng tuần, thanh khoản bình quân trong năm qua đạt 151.926 đơn vị/phiên, gấp 7,7 lần so với năm 2020.
Một cổ phiếu trên khác trên sàn UPCoM cũng đứng tiếp theo về tốc độ tăng giá, là mã PTO của công ty Xây dựng Công trình Bưu điện. Với giá đóng cửa gần nhất ở 20.200 đồng, PTO tăng gần 15 lần trong năm vừa qua. Dù vậy mã này có thanh khoản rất thấp khi chỉ đạt 264 cổ phiếu/phiên, thậm chí năm 2020 còn rất ít khi xuất hiện giao dịch.
Đứng tiếp theo là mã TGG của Louis Capital. Đây là cổ phiếu gây rất nhiều chú ý trên thị thường khi có đà tăng một mạch lên đỉnh lịch sử 74.800 đồng (ngày 22/9), tương ứng gấp 64 lần số cuối năm 2020.
Tuy nhiên hiện tượng này lại nhanh chóng vẽ mô hình "cây thông" khi lao dốc không phanh về mức 18.500 đồng như hiện tại. Cổ phiếu họ Louis cũng thu hút lượng lớn cá nhân rót tiền khi thanh khoản lên gần 1 triệu cổ phiếu/phiên.
Nhóm 3 mã khác cũng có mức tăng hàng chục lần bao gồm NOS của công ty Vận tải biển Phương Đông. Đà tăng giá này được cho là hưởng lợi dòng tiền đổ vào nhóm cảng biển. Trong khi đó hoạt động của công ty vẫn rất khó khăn khi báo lỗ 111 tỷ đồng sau 9 tháng, dẫn đến vốn chủ âm gần 4.300 tỷ và khoản lỗ lũy kế lên đến 4.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu LCM của Khoáng sản Lào Cai tăng mạnh gần 12 lần, chủ yếu diễn ra vào thời điểm cuối năm. Thị giá đạt đỉnh ngay tại 11.950 đồng và thanh khoản cũng tăng đáng kể lên khoảng 278.000 cổ phiếu/phiên.
Cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi cũng bứt phá tăng hơn 11 lần, là một trong những cổ phiếu hiện tượng của năm vừa qua. Thậm chí có thời điểm LIC tăng lên đỉnh lịch sử 146.700 đồng để trở thành một trong các mã có thị gia cao nhất sàn chứng khoán, nhưng rồi cũng đổ dốc về 66.500 đồng như hiện tại.
Nhiều hiện tượng nổi bật khác
Không có mức tăng giá hàng chục lần nhưng nhiều mã cổ phiếu khác cũng gây ấn tượng không kém, tạo nên những mô hình tăng giá đáng mơ ước.
Đơn cử như RGC tăng giá một mạch lên đỉnh lịch sử 71.000 đồng vào ngày 17/11 (tức tăng gần 20 lần so với đầu năm), tuy nhiên cổ phiếu cũng đổ đèo nhanh chỉ còn tăng gần 10 lần trong năm ngoái. Đà tăng giá này đến sau khi cổ đông lớn TCG Land (thuộc Thành Công Group) thoái vốn khỏi công ty sân golf duy nhất trên sàn chứng khoán.
Một cái tên mới nổi trên thị trường gần đây là cổ phiếu CMS của công ty Xây dựng và Nhân lực Việt Nam. Trong một năm qua, CMS đã tăng tăng 9,5 lần lên mốc 31.500 đồng sau khi có sự xuất hiện của cựu chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng trong hội đồng quản trị.
Đà tăng giá bất chấp tình hình kinh doanh của CMS vẫn khá nghèo nàn. Năm 2020 công ty lỗ ròng kỷ lục 14 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục lỗ gần 9 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh chuyển sang trạng thái âm.
Điểm tích cực là công ty đang có những thay đổi lớn, bao gồm việc chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ 3 lần và bổ sung thêm mảng kinh doanh bất động sản. Cá nhân cựu chủ tịch LienVietPostBank dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 41% vốn.
Vẫn còn hàng loạt cái tên khác từng "nổi loạn" trên thị trường như nhóm APEC (các mã APS, API, IDJ) với mức tăng giá 4-9 lần, lãnh đạo doanh nghiệp trong đại hội cổ đông từng đưa khẩu hiệu "gồng lãi" khi giá cổ phiếu cứ liên tiếp đi lên.
Hay mã L14 của Licogi 14 cũng từng là hiện tượng lớn khi tăng phi mã lên 295.000 đồng (ngày 29/11) để trở thành mã có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán lúc đó, sau đó bị điều chỉnh. Hiện tại vị trí quán quân thị giá này thuộc THD của Thaiholding với thị giá 277.000 đồng sau khi doanh nghiệp công bố đề xuất xây dựng Cảng vũ trụ du lịch tại Phú Quốc.
Sự điên rồ của dòng tiền năm vừa qua còn thể hiện ở việc một số cổ phiếu dù kinh doanh bết bát những thị giá vẫn tăng vài lần, đáng kể như ATA, VOS, NOS, CMS hay gần đây là mã HUT, CEO...
Dễ dàng nhận thấy trong số 483 mã tăng giá bằng lần trong năm 2021 chủ yếu là các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí là các cổ phiếu dạng penny ít được chú ý. Mặc dù có tỷ suất sinh lời cao nhưng nhà đầu tư có thể nhận rủi ro lớn tương ứng khi các cổ phiếu này từng lao dốc mạnh, nội tại doanh nghiệp sẽ được dần phơi bày khi các báo cáo tài chính năm được công bố.
Trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó có được tỷ suất sinh lời đáng mơ ước trên bởi tăng trưởng các doanh nghiệp lớn sẽ không quá cao. Dù vậy một số cổ phiếu trụ cũng gây bất ngờ trong năm vừa qua với mức tăng bằng lần như NVL của Novaland, TPB của TPBank, SSI của Chứng khoán SSI, BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-quan-co-phieu-tang-gia-20-lan-trong-nam-post1287154.html