Quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục báo lãi kỷ lục, những ai đang theo sát?
Bức tranh kết quả kinh doanh năm 2024 của các ngân hàng đã dần hiện rõ với nhiều con số ấn tượng, nổi bật là nhóm Big 4 đồng loạt báo lãi cao nhất lịch sử...
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 với những tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, các ngân hàng trong nhóm Big 4 đều hé lộ mang về khoản lợi nhuận kỷ lục. Trong đó, Vietcombank được nhận định tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.
BIG 4 NGÂN HÀNG CÙNG BÁO LÃI LỊCH SỬ
Sáng 10/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, tính đến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới. Với mức kế hoạch được tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4 là 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023, con số lợi nhuận của Vietcombank được nhận định sẽ tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Cũng trong năm qua, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước gần 11.600 tỷ đồng và đạt mức vốn hóa trên 21 tỷ USD.
Kết thúc năm 2024, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 1,44 triệu tỷ đồng trong đó, tín dụng bán buôn tăng 15%, tín dụng bán lẻ tăng 12%. Tổng huy động của ngân hàng đạt 1,53 triệu tỷ, tăng gần 8% so với cuối năm trước. Bên cạnh con số lợi nhuận tích cực, các chỉ số về hiệu quả kinh doanh cũng ghi nhận kết quả tốt: NIM ở mức 3,04%; ROA đạt 1,7%; ROE đạt 18,5%.
Số lượng khách hàng mới của ngân hàng cũng tăng trưởng hai con số so với 2023. Khách hàng tín dụng mới tăng 17%, khách hàng VCB Digibiz tăng 50%, khách hàng Priority tăng 48%.
Tại hội nghị, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành của Vietcombank cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%.
Thông tin tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2025, Ban lãnh đạo BIDV cho biết, tính đến hết 31/12/2024, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4%. Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo: ROA đạt 1,02%; ROE đạt 19,09%, Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,6%. Hoạt động các công ty con, liên doanh, liên kết duy trì ổn định; Lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.253 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế khối công ty liên doanh, liên kết đạt 1.362 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính lợi nhuận hợp nhất của BIDV trong năm 2024 lên tới hơn 31.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, BIDV nhiều khả năng sẽ là ngân hàng có lợi nhuận lớn thứ hai hệ thống chỉ sau Vietcombank.
Cũng theo ban lãnh đạo BIDV, tổng tài sản khối ngân hàng thương mại đến cuối năm 2024 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 100 tỷ USD), tăng trưởng 19,4%, duy trì vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,1%. Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 15,3%; thị phần tín dụng đứng đầu thị trường, đạt 13,1%.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 kiểm soát ở mức 1,3%, theo đúng mục tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%.
Vốn chủ sở hữu BIDV đến cuối năm 2024 đạt 136.320 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%; giá trị vốn hóa đạt 259.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6%. Nộp ngân sách 9.412 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024. Ngân hàng cho biết đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao.
Cụ thể, đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (tăng 10%); Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (tăng 11%). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%. Lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%. Vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.525 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 25.859 tỷ đồng. Như vậy, ước tính, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 đạt 27.567 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Agribank.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025.
Tại hội nghị, ban lãnh đạo VietinBank cho biết ngân hàng đã đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024. Theo đó, quy mô tổng tài sản của VietinBank tăng trưởng 17%; doanh thu tăng trưởng tích cực, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngoài lãi đóng góp gần 27% tổng thu nhập hoạt động với động lực chính từ các nghiệp vụ lõi.
Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng 16,88% so với năm 2023. Mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong năm nay cao hơn hai đại diện còn lại trong nhóm Big4 là BIDV (15,3%) và Agribank (11%).
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô CASA tăng trưởng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối năm 2024.
NHIỀU NGÂN HÀNG BÁO LỢI NHUẬN TĂNG TRƯỞNG MẠNH
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024. Theo đó, dư nợ tín dụng của ACB tính đến cuối năm 2024 đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm, vượt xa mức tăng trưởng trung bình ngành từ năm 2016. Tính đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu (chưa tính CIC) của ACB đạt 1,39%, nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Tổng quy mô huy động, bao gồm phát hành giấy tờ có giá ước tính 639 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm. Trong đó, huy động tiền gửi từ khách hàng ước đạt hơn 537 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,3%, với tỷ lệ CASA đạt 23%, cải thiện so với mức 22,2% của quý 3.
Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) của ACB tiếp tục duy trì trên 12%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Hệ số rủi ro đối với tài sản có được kiểm soát ổn định ở mức khoảng 70%, nằm trong nhóm thấp nhất ngành.
Tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) của ACB đạt 78%, trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn duy trì khoảng 20%. Tỷ lệ ROE duy trì trên 20%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 4 và cả năm 2024
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý 4/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA ước đạt 1,46%, ROE ước đạt 20,23%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản Sacombank ước đạt trên 29 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Huy động vốn và dư nợ tín dụng ước đạt lần lượt 649 nghìn tỷ đồng và 542 nghìn tỷ đồng, đều tăng 12% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân (NCB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2024. Trong đó, NCB cho biết việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và chi phí vốn của các khoản tồn tại cũ theo lộ trình tại Phương án cơ cấu lại là lý do khiến lợi nhuận năm 2024 ghi nhận mức âm, mặc dù hoạt động kinh doanh phát triển mới của NCB trong 2024 đạt kết quả rất đáng ghi nhận với tổng thu nhập hoạt động thuần (TOI) sau dự phòng rủi ro từ hoạt động kinh doanh mới là 2.968 tỷ đồng. Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mới đạt 1.339 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/12/2024, NCB đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi tháng 4/2024. Trong đó, tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Như vậy, tổng lợi nhuận của TPBank trong 11 tháng đã cao hơn lợi nhuận cả năm 2023 và ngân hàng dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng 34% so với năm 2023.
Tổng huy động tính đến 30/11 cán mốc 338.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm. Thu nhập hoạt động của nhà băng đạt hơn 16.300 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh đều khởi sắc giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao gần 18%.
Dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của TPBank cán mốc 254.740 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, vượt xa trung bình ngành.