Quan sát và bình luận: Chỉ trả đũa hay đi xa hơn?

Tình hình Trung Đông đang phụ thuộc vào mức độ trả đũa của Iran và vào việc Israel có ý thức được điểm dừng hay không

Israel không xác nhận và cũng không phủ nhận việc đã tiến hành ám sát thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran - Iran hôm 31-7, mặc dù ai ai trên thế giới cũng đều tin rằng thủ phạm không ai khác ngoài Israel.

Ám sát kẻ thù ở mọi nơi bên ngoài Israel vốn là định hướng sách lược được nước này rất kiên định thực hiện từ xưa tới nay bất chấp mọi cái giá phải trả về chính trị cũng như pháp lý.

Nhưng vụ ám sát ông Haniyeh không chỉ là chuyện giữa Israel và Hamas mà còn là chuyện giữa Israel và Iran. Vụ việc này còn nghiêm trọng và tệ hại hơn về nhiều phương diện so với vụ trụ sở lãnh sự quán của Iran ở Damascus - Syria bị không kích cách đây không lâu mà Israel bị cáo buộc đứng sau.

Theo logic mà nói thì Iran bây giờ càng không thể không có hành động quân sự trả đũa Israel và lần hành động này lại phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn hẳn lần trước. Cũng có thể nói Israel lại một lần nữa bước qua lằn ranh đỏ.

Người biểu tình phản đối vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh gần Đại sứ quán Israel ở thủ đô Amman - Jordan hôm 2-8 Ảnh: REUTERS

Người biểu tình phản đối vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh gần Đại sứ quán Israel ở thủ đô Amman - Jordan hôm 2-8 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cộng sự trong chính phủ hiện tại không thể không ý thức được ngay từ đầu về hệ lụy của hành động vừa rồi, của việc lại một lần nữa mở ra cái "Hộp Pandora".

Dù vậy, họ vẫn làm việc ấy nên xem ra nguyên nhân và mục đích chính chỉ có thể là để phục vụ nhu cầu đối nội trong tình thế bị sa lầy vào cuộc xung đột ở Dải Gaza và bị phong trào Hezbollah ở Lebanon và lực lượng Houthi ở Yemen đồng loạt tấn công quân sự.

Ông Haniyeh bị ám sát đúng là một tổn thất lớn đối với Hamas nhưng Hamas chắc chắn không vì thế mà suy yếu hay tan rã và Israel không nhờ đấy mà đạt được mục tiêu đang theo đuổi là xóa sổ Hamas.

Hệ lụy không thể tránh khỏi trước hết là mối thâm thù giữa Israel với Hamas, Hezbollah, Houthi, các lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq và Syria cũng như với chính Iran sẽ càng thêm sâu đậm và khó hóa giải.

Không chỉ vậy, việc các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah vừa bị ám sát chắc chắn càng khiến những bên thù địch và đối địch Israel ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh gắn kết với nhau hơn và tăng cường phối hợp hành động nhằm vào Israel trong thời gian tới.

Israel phải chung sống với nguy cơ bị tấn công quân sự từ nhiều phía vào bất cứ thời điểm nào trong khi Mỹ và các đồng minh khác của Israel bắt đầu phải triển khai khí tài để hỗ trợ.

Không có sự trợ giúp này, Israel không thể có đủ năng lực tự phòng thủ. Chỉ điều này thôi cũng đủ thấy Mỹ và các đồng minh của Israel sẽ phải làm mọi điều có thể để ngăn Iran và Israel xung đột thực thụ với nhau.

Cho nên, sau những gì vừa xảy ra thì câu trả lời cho câu hỏi chỉ trả đũa hay sẽ xung đột ở khu vực Trung Đông bây giờ phụ thuộc chủ yếu vào hình thức và mức độ trả đũa của Iran và vào việc Israel có ý thức được về điểm dừng hay không. Cả Hezbollah lẫn Iran đều luôn sẵn sàng xung đột với Israel nhưng lại đều phải ngăn chặn điều này vì nhu cầu đối nội, an ninh và đối ngoại.

Bởi thế, khu vực Trung Đông và vùng Vịnh hiện bị xô đẩy đến bên ngưỡng của một trong những kịch bản diễn biến tình hình chính trị an ninh nguy hiểm và tai hại nhất.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự

Lầu Năm Góc vừa thông báo Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông vì những lo ngại liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.

"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin yêu cầu tăng cường bố trí lực lượng nhằm cải thiện khả năng bảo vệ binh lính Mỹ, hỗ trợ Israel phòng thủ và bảo đảm Mỹ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống" - Lầu Năm Góc lên tiếng hôm 2-8 trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông leo thang.

Theo Reuters, Bộ trưởng Austin đã phê chuẩn triển khai bổ sung tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo đến Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, Washington cũng điều động thêm một phi đội chiến đấu cơ đến Trung Đông, nơi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln được huy động để thay thế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.

Thông báo của Lầu Năm Góc cho biết thêm Washington không loại trừ khả năng triển khai bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền. Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố năng lực phòng thủ trước mối đe dọa gia tăng từ nhóm vũ trang Hamas, phong trào Hezbollah và Iran, quốc gia thề trả đũa Israel sau cái chết của thủ lĩnh Haniyeh.

Báo New York Times ngày 3-8 dẫn nguồn thạo tin cho biết lực lượng an ninh Iran đã khám xét khu nhà khách ở thủ đô Tehran nơi thủ lĩnh Haniyeh bị ám sát, tịch thu thiết bị điện tử, xem xét camera an ninh và bắt giữ hơn 20 cá nhân, trong đó có sĩ quan tình báo cấp cao và giới chức quân sự, để phục vụ công tác điều tra.

Theo chuyên gia Ali Vaez của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, phản ứng quyết liệt của Tehran cho thấy cái chết của Thủ lĩnh Haniyeh là "một thất bại an ninh bẽ bàng" đối với giới chức Iran, nhất là khi vụ ám sát xảy ra tại một khu nhà được canh gác nghiêm ngặt ở thủ đô chỉ vài giờ sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.

Cao Lực

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chi-tra-dua-hay-di-xa-hon-196240803200224185.htm