Quận Sơn Trà nỗ lực trở thành điển hình về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Ngày 21-9, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (sau đây gọi tắt là phong trào) do Trung tá Nguyễn Thế Chi- Phó Cục trưởng Cục Phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc (Bộ Công an) làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, làm việc với BCĐ phong trào của quận Sơn Trà. Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VH- TT, ông Hoàng Sơn Trà- Chủ tịch UBND quận, Trưởng BCĐ phong trào quận Sơn Trà cùng dự.
Báo cáo với Đoàn công tác cho thấy, phong trào triển khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là phong trào toàn dân, toàn diện, toàn quốc, được triển khai sâu rộng tại Q. Sơn Trà trong hơn 20 năm qua và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong các chủ trương lớn, quận Sơn Trà luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nói riêng. Phong trào cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo ra bầu không khí dân chủ thực sự, huy động được nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của quận phát triển theo hướng bền vững.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc thực hiện phong trào tại địa phương vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Việc quản lý các thiết chế văn hóa, xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện phong trào chưa đạt kết quả như mong muốn do vướng mắc từ việc chưa có chế tài hoặc chế tài chưa cụ thể. Nhiều mô hình trong triển khai phong trào, nhất là những mô hình mới cần có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể để việc áp dụng mang tính bền vững lâu dài, với nhiều nội dung phong trào liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần có rà soát, nghiên cứu từ các bộ ngành trung ương và giao chỉ tiêu thích hợp để đảm bảo việc thực thi ở cơ sở. Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đề nghị, bên cạnh nỗ lực từ địa phương trong vận động được "toàn dân" và "đoàn kết", cũng cần có những hướng dẫn, thậm chí các chế tài đủ mạnh, rõ ràng thì việc thực hiện phong trào từ cơ sở sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, BCĐ Quận Sơn Trà cần có nghiên cứu, điều chỉnh từ Trung ương liên quan đến quy định quản lý tài sản công đối với các thiết chế văn hóa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội trong quản lý, sử dụng các thiết chế hiệu quả tối ưu…
Kết luận buổi làm việc, Trung tá Nguyễn Thế Chi đánh giá: Sơn Trà là địa phương điển hình của TP Đà Nẵng nhiều mặt, trong đó, có thể nói là địa phương điển hình về triển khai thực hiện phong trào. Nhiều mô hình, cách làm của quận Sơn Trà có thể áp dụng, nhân rộng ở các địa phương khác trên toàn quốc. Quận Sơn Trà cũng đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị. Kết quả thực hiện đồng đều ở các mặt cho thấy sự quan tâm lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, vai trò của các ban, ngành đoàn thể và mặt trận khu dân cư đối với phong trào…
Trong thời gian đến, Trung tá Nguyễn Thế Chi đề nghị Q. Sơn Trà tiếp tục thường xuyên kiện toàn, củng cố BCĐ các cấp theo hướng "cán bộ nào phong trào ấy", qua đó tiếp tục củng cố nhận thức tư tưởng trong triển khai các phong trào nói chung, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói riêng. Trong triển khai các nội dung của phong trào, cần có sự triển khai đồng đều, phối hợp, gắn kết với các phong trào khác tại địa phương… Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công, bố trí nguồn ngân sách… đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp trình các bộ ngành trung ương có liên quan để xem xét, cho ý kiến.