Quân sự thế giới hôm nay (12-2): Máy bay vận tải quân sự sẽ không cần người lái?
Ít nhất 10 binh sĩ Nigeria thiệt mạng khi bị một nhóm khủng bố phục kích trên đường tuần tra, vụ xả súng tại doanh trại quân đội khiến 5 binh sĩ Philippines tử vong, và triển vọng phát triển máy bay vận tải hạng nặng không người lái là những thông tin quân sự thế giới quan trọng trong ngày 12-2.
* Ít nhất 10 binh sĩ Nigeria đã thiệt mạng trong trận phục kích của một nhóm các tay súng khủng bố. Theo tin từ Daily Mail ngày 12-2, con số binh lính thiệt mạng có thể sẽ còn gia tăng do hiện nay vẫn còn 16 người mất tích và 13 người khác bị thương.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nigeria, vụ việc xảy ra khi một đơn vị quân sự đang đi tuần tra ở phía Bắc xã Banibangou thì bị phục kích bởi một nhóm nghi thuộc phong trào thánh chiến Jihad. Thông báo của Bộ Quốc phòng cũng cho biết một số tay súng đã bị bắn hạ nhưng không thông báo con số cụ thể.
* 5 binh sĩ Philippines đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại một doanh trại quân đội ở thành phố Cagayan de Oro. Theo Thiếu tá Francisco Garello, Phát ngôn viên Sư đoàn bộ binh 4, vào hồi 1 giờ sáng ngày 12-2, một binh nhất thuộc sư đoàn đã bất ngờ chạy vào phòng ngủ của đồng đội và xả súng điên cuồng, khiến 4 người trong số họ thiệt mạng trước khi kẻ tấn công bị các binh sĩ khác khống chế và tiêu diệt. Ngoài 5 người thiệt mạng, còn 1 binh sĩ nữa đang bị thương nặng.
Phản ứng trước sự vụ, Phát ngôn viên Lục quân Philippines Đại tá Xerxes Trinidad cho biết sẽ điều tra nguyên nhân vụ việc và sẽ rà soát quy trình tuyển quân, đảm bảo binh sĩ được tuyển chọn đủ sức khỏe tâm sinh lý, tránh để xảy ra vụ việc tương tự. Philippines là quốc gia thi thoảng lại xảy ra các vụ xả súng quy mô nhỏ. Tháng 6 năm ngoái, 3 người, trong đó có một cựu thị trưởng đã bị bắn chết ở Manila.
* Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước vào ngày 14-2 tới bên lề Triển lãm Hàng không Ấn Độ 2023 (khai mạc ngày 13-2). “Hội nghị sẽ chú trọng thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng cường hợp tác xây dựng năng lực thông qua đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D), liên doanh, hợp tác phát triển, hợp tác sản xuất và cung ứng thiết bị quốc phòng, huấn luyện, chinh phục không gian, trí tuệ nhân tạo và an ninh hàng hải để cùng phát triển.
Hội nghị là cơ hội để bộ trưởng quốc phòng các quốc gia thân thiện và Ấn Độ hợp tác thực hiện tầm nhìn “sản xuất tại Ấn Độ, sản xuất cho thế giới”, vì một tương lai an toàn và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động chiến dịch “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường) trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm mục đích tăng cường năng lực sản xuất và sản xuất quốc phòng trong nước. Ngoài việc phát triển hệ sinh thái quốc phòng tự cung tự cấp trong nước, Aatmanirbhar Bharat còn thu hút sự tham gia của các quốc gia thân thiện trong phát triển chuỗi cung ứng đáng tin cậy không bị lợi dụng hay gián đoạn bởi bất cứ bên nào, và cung cấp thiết bị quốc phòng với mức giá phải chăng cho các quốc gia thân thiện.
* Máy bay vận tải quân sự hạng nặng trong tương lai sẽ không cần người lái?
Với mục đích phát triển mạnh hơn nữa hệ thống máy bay không người lái (tự lái), Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với Reliable Robotics tập trung vào nghiên cứu cách biến máy bay vận tải quân sự nhiều động cơ thành máy bay không người lái, trong đó robot có thể tự xử lý 100% các tác vụ của chuyến bay, từ lăn bánh chạy đà trên đường băng đến cất, hạ cánh.
Trên thực tế, chiến tranh hiện đại đã và đang được cơ giới hóa và tự động hóa, phức tạp đến mức trở thành một chuỗi cung ứng khổng lồ mà nếu bất cứ bên nào không đáp ứng được khâu cung cấp, cung ứng đều có thể rơi vào nguy cơ thất bại.
Một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ và cam kết cung ứng quân sự trên toàn cầu là hệ thống các máy bay vận tải, bao gồm Lockheed Martin C-5 Galaxy và Boeing C-17 Globemaster III. Những máy bay chở hàng siêu trọng này giúp Không quân Mỹ vận chuyển binh lính và thiết bị đến bất kỳ đâu trên thế giới trong thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, duy trì và vận hành đội bay này trong nhiều tình huống là cực kỳ tốn kém, và đôi khi là hết sức nguy hiểm cho phi hành đoàn, đặc biệt là ở những nơi có xung đột và có lưới phòng không nhiều lớp. Ngoài ra, nhiệm vụ này cũng đòi hỏi một số lượng lớn phi công, vốn luôn trong tình trạng thiếu hụt và cực kỳ tốn kém để đào tạo.
Để giải quyết vấn đề này, Không quân Mỹ đã xem xét việc tự động hóa các máy bay vận tải hiện có. Ý tưởng này không phải là mới, nhưng việc áp dụng công nghệ này vào các máy bay vận tải phản lực nhiều động cơ công suất lớn thực hiện các nhiệm vụ cung cấp quân sự làm gia tăng mức độ phức tạp của hoạt động quân sự.
Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực và thành công, nó sẽ cho phép lực lượng không quân nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ vận tải hàng không mà không cần đào tạo thêm phi công hoặc chế tạo máy bay mới. Nó cũng sẽ tăng cường mức độ an toàn cho lực lượng vì với các công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được cải tiến, hệ thống máy tính lập trình tự động cho máy bay sẽ ứng phó tốt hơn với một số trường hợp khẩn cấp nhờ khả năng tính toán tức thời các đường bay thay thế. Đây là việc mà một phi công thông thường sẽ phải dựa vào trực giác và may rủi.
Theo hợp đồng, hệ thống bay tự động có thể xử lý tất cả các khâu trong một chuyến bay, từ lăn bánh chạy đà cho đến cất cánh và hạ cánh. Việc của con người chỉ là giám sát từ xa. Hệ thống bay tự động toàn thời gian cũng sẽ điều hướng chính xác hơn và điều khiển chuyến bay nhanh chóng hơn cũng như giúp con người quản lý máy bay tốt hơn trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)