Quân sự thế giới hôm nay (15-2): Malaysia cảnh báo hậu quả từ cắt giảm ngân sách quốc phòng
Quân sự thế giới hôm nay (15-2) gồm những thông tin quan trọng: Malaysia cảnh báo hậu quả từ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, tên lửa siêu thanh BrahMos dự kiến đem lại giá trị xuất khẩu 3 tỷ USD cho Ấn Độ, Mỹ thử nghiệm sử dụng AI toàn thời gian cho vận hành chiến đấu cơ phản lực.
* Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu xuất khẩu quốc phòng đạt 5 tỷ USD (từ 1,5 tỷ USD hiện nay) trong giai đoạn 2024-2025 thì riêng tên lửa siêu thanh BrahMos có khả năng đem lại giá trị xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2026. Theo The New Indian Express, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Đông đang đặc biệt quan tâm đến tên lửa BrahMos và trước mắt, bắt đầu từ cuối năm 2023, công ty liên doanh này sẽ bắt đầu xuất khẩu tên lửa sang Philippines.
Tổng giám đốc điều hành BrahMos Aerospace Atul D Rane cho biết: “Cả thế giới đang nhìn vào sản phẩm của chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ có thể bán cho các quốc gia thân thiện với Ấn Độ và Nga. Khu vực Đông Nam Á đang tiếp cận chúng tôi và Philippines là nước đầu tiên sẽ trang bị tên lửa cho lực lượng vũ trang của mình, trong khi khu vực Trung Đông cũng đang rất quan tâm. Thủ tướng đã đặt ra một mục tiêu rất cao, nhưng chúng tôi cũng đang đặt mục tiêu cao hơn. Tại sao lại không chứ? Hãy xem đó là một thử thách”.
BrahMos là tên lửa siêu thanh sản xuất tại Ấn Độ trên cơ sở hợp tác với Moscow, có tầm bắn tối đa 300km và có đủ 3 biến thể cho các tổ hợp trên bộ, trên biển và trên không, có khả năng tấn công các mục tiêu ở vận tốc lên tới 5-7 Mach (gấp 5-7 lần vận tốc âm thanh) với độ chính xác cao.
* Australia chuẩn bị hiện đại hóa cơ bản quân đội sau khi bản báo cáo đánh giá năng lực quốc phòng được hoàn thành. Theo thông tin từ 9News, bản báo cáo do cựu Tư lệnh Lực lượng quốc phòng Australia Angus Houston và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith thực hiện trong thời gian 6 tháng và đã được chuyển cho Thủ tướng Albanese vào ngày 14-2. Hai ông đã kiểm tra, xem xét, đánh giá địa điểm và các loại vũ khí, khí tài của Lực lượng quốc phòng nhằm đáp ứng đòi hỏi phản ứng nhanh trước các đe dọa về quân sự, quốc phòng hiện nay đối với Australia.
Phản ứng của chính phủ đối với nội dung bản báo cáo dự kiến sẽ được công bố trong một vài tuần tới và nội dung bản báo cáo sẽ là cơ sở để Australia tiến hành hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và một số quốc gia tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một nguồn thạo tin cho biết, Lực lượng quốc phòng Australia sẽ mở rộng năng lực tấn công tầm xa bằng cách tăng mua sắm các loại tên lửa và máy bay không người lái. Cũng có thông tin cho rằng chi tiêu cho Lục quân sẽ bị cắt giảm để chuyển bớt sang chi tiêu cho Không quân và Hải quân.
Nhận xét về bản báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết: "Đây là bản đánh giá quan trọng nhất về vị thế chiến lược của Australia trong 35 năm qua”. Tháng sau, chính phủ liên bang Australia sẽ công bố loại tàu ngầm nguyên tử quân đội nước này sẽ mua thông qua thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh.
* Không quân Mỹ đã thử nghiệm điều khiển chiến đấu cơ phản lực bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong 17 giờ liên tiếp. Trong một thông cáo báo chí ngày 15-2, Lockheed Martin thông báo Không quân Mỹ đã lần đầu tiên hoàn thành thử nghiệm máy bay chiến đấu chiến thuật sử dụng công nghệ AI tại căn cứ không quân Edwards, California. Máy bay tham gia thử nghiệm là X-62A VISTA, một “biến thể của chiến đấu cơ F-16D có điều chỉnh”.
Theo Tiến sĩ M. Christopher Cotting, Giám đốc nghiên cứu của Trường Phi công thử nghiệm thuộc Không quân Mỹ, hệ thống mới sẽ “nhanh chóng phát triển khả năng tự lái cho các nền tảng máy bay”. Quân đội Mỹ vốn nổi tiếng với khả năng phát triển và sử dụng máy bay không người lái, nhưng còn nổi tiếng hơn với những nền tảng máy bay chiến đấu có người lái. Việc phát triển công nghệ AI trên máy bay chiến đấu phản lực hướng đến hoàn toàn không sử dụng phi công đang đẩy lĩnh vực này lên một tầm cao mới.
* Tai nạn xe tăng trong diễn tập ở Lop Buri khiến một hạ sĩ quan và một học viên sĩ quan Thái Lan thiệt mạng. Theo Bangkok Post, người thiệt mạng gồm Trung sĩ Sanga Joitho thuộc Sư đoàn kỵ binh số 2, Đội cận vệ nhà vua và Phuwanai Kamlangdee, học viên năm thứ ba Học viện Quân sự hoàng gia Chulachomklao.
Sự việc xảy ra lúc 7h40 khi xe tăng hạng nhẹ Scorpion do Trung sĩ Sanga điều khiển đang chuyển hướng để tham gia giai đoạn phản công trong cuộc diễn tập tổng hợp ba lực lượng dân sự - quân đội - cảnh sát thì gặp một xe tải quân sự thuộc thành phần diễn tập chạy theo hướng ngược lại. Để tránh va chạm, Trung sĩ Sanga cho xe tăng rẽ trái nhưng đã bị lật do vướng một gò đất phía trước. Cú lật xe tăng khiến học viên Chulachomklao bị văng ra ngoài, gãy cổ và tử vong tại chỗ. Trung sĩ Sanga bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện sau đó.
* Malaysia: Chuyên gia quân sự cảnh báo hậu quả của cắt giảm ngân sách quốc phòng
Ngày 15-2, Malay Mail dẫn lời các chuyên gia quân sự cảnh báo ngân sách quốc phòng sụt giảm khiến Malaysia đang đứng trước nguy cơ tụt lùi về quân sự trong khu vực. Cụ thể, nhiều chuyên gia và một cựu sĩ quan cao cấp quân đội Malaysia đã nhấn mạnh nguy cơ an ninh quốc gia đang hiện hữu và ngày càng gia tăng và cho rằng Malaysia không được hạ thấp mức độ ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực quân sự - quốc phòng.
Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ quân sự sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ tụt lùi trong khả năng phòng thủ của đất nước và năng lực tham gia vào các thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong khu vực và quốc tế nếu ngân sách quốc phòng của Malaysia bị cắt giảm.
Chuẩn tướng Không quân Hoàng gia Malaysia Datuk Abdullah Mohamed (đã nghỉ hưu) nhận định: “Có nhiều yếu tố tác động đến an ninh quốc gia như phòng thủ từ xa, phòng thủ từ bên trong, ổn định chính trị xã hội, toàn vẹn kinh tế... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố là “năng lực răn đe”... Năng lực răn đe có được chỉ khi quân đội được trang bị tốt và hiệu quả, cùng một ngân sách quốc phòng đầy đủ”.
Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Mohamad Hasan thông báo cắt giảm phân bổ ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023 do giá dầu giảm khiến quy mô thu nhập cả nước sụt giảm theo. Mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia là ngân sách quốc phòng thấp sẽ gây bất lợi cho chính nền kinh tế trong dài hạn vì Malaysia sẽ không thể bảo vệ hiệu quả các lợi ích kinh tế của mình khỏi bị xâm phạm, đặc biệt là ở vùng đặc quyền kinh tế trong bối cảnh trong khu vực có quốc gia thường xuyên đưa lực lượng quấy nhiễu nơi có mỏ dầu của Malaysia và điều này sẽ chỉ càng ngày càng trở nên phức tạp hơn nếu quân đội không đủ khả năng xua đuổi tàu xâm nhập trái phép.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)