Quân sự thế giới hôm nay (18-11): Trung Quốc có kế hoạch triển khai tiêm kích tàng hình J-35 trên tàu sân bay
Quân sự thế giới hôm nay (18-11) có những nội dung sau: BAE Systems xây dựng cơ sở sản xuất lựu pháo tại Anh; Trung Quốc triển khai tiêm kích tàng hình J-35 trên tàu sân bay; Italy mua máy bay tuần tra biển ATR42 của Leonardo.
* BAE Systems xây dựng cơ sở sản xuất lựu pháo tại Anh
Nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu BAE Systems vừa công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại tại Sheffield, Anh. Cơ sở này sẽ tập trung vào việc sản xuất lựu pháo hạng nhẹ M777 155mm.
Khoản đầu tư này nhấn mạnh cam kết của BAE Systems trong việc củng cố cơ sở hạ tầng quốc phòng của Anh đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ngoài sản xuất, cơ sở này cũng sẽ phát triển công nghệ pháo binh mới nhằm hiện đại hóa lựu pháo M777, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Lựu pháo M777 155mm là hệ thống pháo binh đa năng, có tính cơ động cao do BAE Systems phát triển để thay thế lựu pháo M198 đã cũ. Quá trình phát triển bắt đầu vào cuối những năm 1990 với mục đích tạo ra một hệ thống vũ khí hạng nhẹ, có thể vận chuyển bằng đường hàng không, có khả năng hỗ trợ hỏa lực chính xác và mạnh mẽ.
M777 có tầm bắn tối đa là 24km với đạn tiêu chuẩn và 40km khi sử dụng đạn dẫn đường như M982 Excalibur. Lựu pháo này có tốc độ bắn liên tục là 2 phát/phút và có thể đạt tốc độ bắn liên thanh lên tới 5 phát/phút. Trọng lượng nhẹ và hỏa lực tiên tiến giúp M777 có khả năng thích ứng cao với các tình huống chiến đấu hiện đại.
Trong những năm qua, M777 không ngừng được nâng cấp với nhiều biến thể tiên tiến. M777A1 được trang bị hỏa lực kỹ thuật số, tích hợp hệ thống dẫn đường GPS và dẫn đường quán tính, giúp nâng cao độ chính xác và hiệu quả hoạt động. M777A2 được nâng cấp với phần mềm Block 1A và bộ đặt ngòi pháo cảm ứng di động (EPIAFS), cho phép tương thích với đạn dẫn đường Excalibur và các loại đạn dẫn đường chính xác khác.
* Trung Quốc triển khai tiêm kích tàng hình J-35 trên tàu sân bay
Theo thông tin do South China Morning Post công bố, Trung Quốc vừa xác nhận kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm mới nhất J-35 trên tàu sân bay, đánh dấu một bước tiến trong năng lực hàng không hải quân của nước này.
J-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thứ hai của Trung Quốc, sau J-20, do Tập đoàn máy bay Shenyang của AVIC phát triển. Không giống như J-20, J-35 có kích thước nhỏ hơn và được tối ưu hóa cho các hoạt động từ các căn cứ không quân trên mặt đất.
J-35 nổi bật với các tính năng tàng hình tiên tiến, bao gồm vật liệu hấp thụ radar và thiết kế giảm tiết diện radar. Các tính năng này khiến J-35 khó bị cảm biến của đối phương phát hiện hơn, mang lại cho máy bay lợi thế trong không phận có tranh chấp. Kích thước nhỏ gọn cho phép tiêm kích này hoạt động hiệu quả trên không gian hạn chế của tàu sân bay. Hỏa lực được trang bị trên J-35 bao gồm tên lửa không đối không tầm trung, vũ khí không đối đất siêu thanh và bom dẫn đường chính xác, cho phép máy bay thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiếm ưu thế trên không, tấn công và trinh sát.
J35 sẽ được triển khai trên tàu sân bay thứ ba sắp ra mắt của Trung Quốc, Fujian (Phúc Kiến). Tàu có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, chiều dài khoảng 316m và chiều rộng 72m. Tàu sân bay Phúc Kiến sẽ sử dụng hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) để phóng máy bay. Đây cũng là tàu đầu tiên của Trung Quốc được lắp hệ thống máy phóng máy bay điện từ như lớp tàu sân bay Ford của Mỹ. Tàu sân bay Phúc Kiến được cho là sử dụng động cơ đẩy dựa trên tua-bin hơi nước cùng máy phát điện diesel. Tốc độ di chuyển của tàu ước tính khoảng 56km/giờ.
* Italy mua máy bay tuần tra biển ATR42 của Leonardo
Theo Army Recognition, Italy vừa mua máy bay tuần tra hàng hải ATR42-600 của Leonardo nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này.
ATR 42-600 có chiều dài 48m và sải cánh rộng 25m. Máy bay có trọng lượng cất cánh và hạ cánh tối đa lần lượt là 18,6 và 18,3 tấn. Trọng lượng rỗng khi vận hành của máy bay là 11,75 tấn, với trọng tải tối đa là 5,25 tấn và sức chứa nhiên liệu tối đa là 4,5 tấn.
Được trang bị động cơ PW127XT mới của Pratt & Whitney dung tích 4.500 lít, ATR42-600 có tốc độ bay tối đa 535km/giờ và phạm vi hoạt động 1.345km. Động cơ này mang lại hiệu suất kinh tế vượt trội với mức tiêu thụ nhiên liệu giảm 30% so với các máy bay phản lực có kích thước tương tự trong phân khúc. Ngoài ra, chi phí bảo trì của nó cũng giảm 20% và chi phí vận hành thấp hơn 50%.
Một trong những ưu điểm của mẫu máy bay này là chi phí vận hành thấp và dễ dàng thay thế phụ tùng. Bên cạnh đó, ATR-42 còn được tích hợp các công nghệ giám sát, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, cùng các cảm biến đa miền, cho phép chia sẻ thông tin theo thời gian thực, tối ưu hóa phối hợp hiệp đồng trong thực hiện nhiệm vụ.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.