Quân sự thế giới hôm nay (19-1): Máy bay chiến đấu F-15E trang bị EPAWSS có gì đặc biệt?
Quân sự thế giới hôm nay (19-1) có những nội dung sau: Mỹ tiếp nhận máy bay chiến đấu F-15E trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến (EPAWSS); Iran tiếp nhận hệ thống phòng không Azarakhsh; Lockheed Martin bàn giao radar AN/SPY-7(V)1 đầu tiên cho Nhật Bản.
Không quân Mỹ tiếp nhận máy bay chiến đấu F-15E đầu tiên có trang bị EPAWSS
Không quân Mỹ đã đạt được một cột mốc quan trọng trong hiện đại hóa phi đội F-15E Strike Eagle, với việc bàn giao chiếc máy bay đầu tiên được trang bị hệ thống cảnh báo chủ động/thụ động Eagle (EPAWSS).
Chiếc máy bay chiến đấu F-15E trang bị EPAWSS đã cất cánh từ San Antonio (Texas) đến căn cứ quân sự RAF Lakenheath ở Anh để gia nhập Phi đoàn tiêm kích số 48.
Với khả năng chiếm ưu thế trên không và thực hiện các nhiệm vụ tấn công chính xác tầm xa, F-15E từ lâu đã là "xương sống" của Không quân Mỹ. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không, cảm biến tiên tiến và một loạt đạn dẫn đường chính xác, khiến nó trở thành một khí tài linh hoạt cho lực lượng không quân.
Việc tích hợp một trong những bộ tác chiến điện tử tiên tiến nhất thế giới giúp nâng cao khả năng sống sót và hiệu quả hoạt động của máy bay chiến đấu này trong các môi trường phức tạp, có nguy cơ cao.
Việc chuyển giao chiếc máy bay chiến đấu F-15E đầu tiên có trang bị EPAWSS là một phần trong chiến lược hiện đại hóa rộng hơn của Không quân Mỹ đối với máy bay thế hệ thứ tư của mình.
Được tích hợp EPAWSS, phi đội F-15E có thể hoạt động cùng với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến hơn như F-35, đồng thời vẫn cung cấp các khả năng thiết yếu cho nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Được phát triển bởi BAE Systems, EPAWSS đại diện cho một bước tiến đáng kể trong công nghệ tác chiến điện tử của F-15E, cho phép máy bay tự động phát hiện, nhận dạng và định vị các hệ thống điện tử của đối phương.
Không chỉ phát hiện, hệ thống này có thể làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa các mối đe dọa, đảm bảo rằng F-15E vẫn hiệu quả trong các môi trường có tranh chấp.
Iran tiếp nhận hệ thống phòng không Azarakhsh tiên tiến
Army Recognition dẫn thông tin từ một chuyên gia quốc phòng Iran cho biết, Quân đội Iran mới đây đã tiếp nhận Azarakhsh, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn mới nhất do nước này sản xuất.
Đợt chuyển giao này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Iran, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tên lửa, UAV và máy bay trong khu vực.
Ra mắt vào tháng 8-2024, Azarakhsh được thiết kế để cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ, chống lại các mối đe dọa ở độ cao thấp đến trung bình và được trang bị công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường khả năng bảo vệ không phận của Iran, mà không cần phụ thuộc vào công nghệ quân sự nước ngoài.
Sự phát triển của Azarakhsh phù hợp với xu hướng rộng hơn khi Iran tập trung nhiều vào các công nghệ quốc phòng nội địa, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và tăng cường khả năng răn đe của mình trước các mối đe dọa bên ngoài.
Azarakhsh được trang bị radar mảng pha thụ động, cung cấp phạm vi phủ sóng 360 độ, với phạm vi phát hiện lên đến 50km, cho phép phát hiện và theo dõi mục tiêu hiệu quả, ngay cả trong môi trường áp chế điện tử.
Ngoài ra, hệ thống được tích hợp với các hệ thống quang điện tử và hồng ngoại, giúp cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
Điểm nổi bật của hệ thống này nằm ở tính cơ động. Vũ khí của Azarakhsh, được lắp phía sau xe tải, gồm 4 tên lửa đất đối không. Những tên lửa này có thể đạt tốc độ lên tới 2.223 km/giờ. Điều này khiến Azarakhsh trở thành một hệ thống cực kỳ nhanh nhẹn, có khả năng tấn công nhiều mối đe dọa trên không, từ tên lửa chiến thuật đến UAV và máy bay bay thấp.
Ngoài ra, Azarakhsh cũng được thiết kế để kết hợp với các hệ thống phòng không khác của Iran, tạo ra một lưới phòng thủ nhiều lớp, gồm các hệ thống tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có thể chống lại nhiều mối đe dọa trên không. Cụ thể, hệ thống này hỗ trợ cho các nền tảng phòng thủ lớn khác của Iran như hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 và hệ thống tầm trung Khordad-3.
Việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Azarakhsh đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực liên tục của Iran nhằm tăng cường khả năng răn đe quân sự của mình. Hệ thống mới này, cùng với các phát triển quốc phòng khác của Iran, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các công nghệ phòng không trong việc định hình bối cảnh an ninh của khu vực.
Lockheed Martin bàn giao radar AN/SPY-7(V)1 đầu tiên cho Nhật Bản
Lockheed Martin mới đây thông báo, đã bàn giao radar AN/SPY-7(V)1 dành cho tàu được trang bị hệ thống Aegis (ASEV) thế hệ mới đầu tiên cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Được đánh giá là “trái tim” của ASEV, AN/SPY-7(V)1 mang đến những cải tiến vượt trội về hiệu suất và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Hải quân Nhật Bản. Trước khi được đưa vào sử dụng, hệ thống radar này sẽ trải qua quá trình kiểm tra và tích hợp cuối cùng với hệ thống chiến đấu của tàu tại Trung tâm Kiểm tra sản xuất ở Moorestown.
Quá trình này giúp giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Điều này thể hiện sự chú trọng đến độ chính xác và tin cậy trong việc triển khai các công nghệ hải quân hiện đại.
Việc đầu tư vào SPY-7 được đánh giá là phù hợp với các mục tiêu an ninh quốc gia lớn hơn của Nhật Bản. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các mối đe dọa ngày càng phức tạp. Khi tình hình an ninh khu vực trở nên thách thức hơn, việc sử dụng radar SPY-7 sẽ giúp Nhật Bản nâng cao khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa truyền thống và mới nổi, bao gồm tên lửa đạn đạo và các khí tài không quân hiện đại.
Với thiết kế mô-đun, khả năng nhận thức tình huống của SPY-7 được cải thiện, cho phép người sử dụng phát hiện, theo dõi và phản ứng với các mối đe dọa khác nhau đồng thời và với độ chính xác cao. Điều này rất quan trọng với hải quân, nơi việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác là rất cần thiết trong các tình huống.
Được phát triển dựa trên thành công của các hệ thống radar đã được kiểm chứng trên thực tế, SPY-7 đang được các quốc gia Tây Ban Nha và Canada trang bị cho tàu chiến của mình. Điều này cho thấy độ tin cậy và hiệu suất cao của hệ thống.
Lockheed Martin cũng tiết lộ sẽ cung cấp thêm các hệ thống SPY-7 cho Nhật Bản trong năm 2025. Việc mua hệ thống này không chỉ thể hiện nỗ lực nâng cấp công nghệ, mà còn thể hiện sự tăng cường chiến lược về năng lực hải quân của Nhật Bản, đảm bảo sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.