Quân sự thế giới hôm nay (2-7): Châu Âu phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai
Quân sự thế giới hôm nay (2-7) có những nội dung sau: Châu Âu khởi động dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai; Hàn Quốc trang bị công nghệ cảm biến âm thanh cho xe bọc thép; Latvia chi 387 triệu Euro mua xe chiến đấu Hunter.
* Hàn Quốc trang bị công nghệ mới cho xe bọc thép thế hệ mới
Ngày 30-6, Hanwha Aerospace, nhà sản xuất quốc phòng Hàn Quốc, đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng ASELSAN của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tích hợp hệ thống phát hiện tiếng súng SEDA 100 do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển vào các dòng xe bọc thép thế hệ mới.
Thỏa thuận này đánh dấu bước tiến mới trong việc kết hợp công nghệ cảm biến âm thanh tiên tiến với các nền tảng thiết giáp hiện đại, góp phần nâng cao khả năng nhận thức tình huống và bảo vệ lực lượng trong môi trường tác chiến ngày càng phức tạp.

SEDA 100 cho phép lắp đặt và vận hành ngay mà không cần hiệu chỉnh, giúp rút ngắn thời gian triển khai. Ảnh: ASELSAN
SEDA 100 là hệ thống phát hiện tiếng súng do ASELSAN nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chiến tranh phi đối xứng. Thiết bị có khả năng nhận diện đường đạn siêu vượt âm và xác định chính xác vị trí tay súng của đối phương thông qua các thuật toán âm thanh tối tân. Hệ thống cung cấp cảnh báo thời gian thực trên nền tảng bản đồ số GIS, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình, đồng thời có thể triển khai linh hoạt trên các nền tảng di động và cố định.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của SEDA 100 là khả năng lắp đặt và vận hành ngay mà không cần hiệu chỉnh, giúp rút ngắn thời gian triển khai, giảm thiểu gián đoạn cho các đơn vị bọc thép trên chiến trường.
* Châu Âu khởi động dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai
Tập đoàn quốc phòng KNDS thông báo đã chính thức khởi động Dự án MARTE, nhằm phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo cho châu Âu.
MARTE được đánh giá là dự án có tầm nhìn dài hạn của châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về một nền tảng xe tăng chủ lực hiện đại, có khả năng thích nghi với các hình thái chiến tranh tương lai. Dự án quy tụ 51 pháp nhân đến từ 12 quốc gia, bao gồm các tập đoàn quốc phòng hàng đầu, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Một trong những điểm nổi bật của MARTE là dự án nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở cấp quốc gia, với sự tham gia của Bộ Quốc phòng của 11 nước, trong đó có Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Romania và Thụy Điển. Điều này phản ánh quyết tâm chung của châu Âu trong việc tăng cường hội nhập quốc phòng và xây dựng năng lực chiến đấu độc lập trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng bất ổn.

Hình ảnh xe tăng chiến đấu Leopard 2 của Quân đội Đức trong một hoạt động diễn ra vào tháng 10-2022. Ảnh: Getty Images
Thực tế cho thấy vai trò không thể thay thế của thiết giáp hạng nặng trong chiến tranh cường độ cao, và xe tăng chiến đấu chủ lực vẫn là lực lượng nòng cốt trong tác chiến mặt đất. Các lực lượng châu Âu hiện đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải thay thế hoặc nâng cấp các dòng xe tăng đã cũ như Leopard 2, Challenger 2 hay các mẫu được sản xuất từ thời Liên Xô. Dù đã trải qua nhiều lần nâng cấp, nhưng những nền tảng này đang dần lạc hậu trước các mối đe dọa mới như vũ khí chính xác cao, máy bay không người lái (UAV) và tác chiến điện tử.
Dự án được chia thành 5 gói kỹ thuật, mỗi gói sẽ do một công ty quốc phòng hàng đầu châu Âu đảm nhiệm, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như hỏa lực, bảo vệ, nhận thức tình huống, cơ động và hệ thống chỉ huy-điều khiển. Các công ty này bao gồm KNDS Deutschland và Rheinmetall Landsysteme của Đức, Leonardo của Italy, Indra Sistemas của Tây Ban Nha và SAAB của Thụy Điển.
* Latvia chi 387 triệu Euro mua xe chiến đấu Hunter
Latvia vừa ký hợp đồng trị giá 387 triệu Euro với Công ty General Dynamics European Land Systems (GDELS) để mua thêm 42 xe chiến đấu bộ binh Hunter (IFV) nhằm hiện đại hóa lực lượng thiết giáp và tăng cường năng lực phòng thủ ở sườn phía Đông NATO.
Với thương vụ này, Riga không chỉ đầu tư vào khí tài hiện đại mà còn tái khẳng định vai trò tích cực trong tiến trình hội nhập quốc phòng châu Âu, đồng thời đặt nền móng cho hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa các nước EU.
Là biến thể mới nhất của dòng xe bánh xích ASCOD, một nền tảng đã được biết đến với khả năng tác chiến bền bỉ, Hunter được thiết kế với giáp mô-đun hiện đại, hệ thống vũ khí linh hoạt và cấu trúc điện tử tiên tiến, phù hợp với cả yêu cầu tấn công lẫn phòng thủ trong các môi trường chiến tranh đa dạng.

Latvia mua xe Hunter nhằm hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của quân đội nước này. Ảnh: GDELS
Các cuộc thử nghiệm dọc biên giới NATO đã chứng minh khả năng cơ động, độ tin cậy và tính tương thích cao của dòng xe này với các tiêu chuẩn tác chiến chung của liên minh.
So với các dòng IFV nổi bật khác như CV90 của Thụy Điển hay Puma của Đức, Hunter có lợi thế nhờ khả năng cân bằng giữa hiệu năng, tính mô-đun và chi phí đầu tư. Nếu Puma vượt trội về bảo vệ, CV90 có ưu thế về cảm biến và nhận thức chiến thuật, thì Hunter kết hợp được cả hai yếu tố này, cộng với lợi thế sản xuất tại chỗ và khả năng tương tác cao.
Với tổng kinh phí (đã bao gồm VAT) lên tới 387 triệu Euro, thương vụ này là một phần chủ chốt trong kế hoạch hiện đại hóa Quân đội Latvia. Đại diện GDELS cho biết chương trình sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng và bảo dưỡng, qua đó mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.