Quân sự thế giới hôm nay (23-4): Ấn Độ thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hạt nhân

Quân sự thế giới hôm nay (23-4) có những thông tin chính sau: Ấn Độ lần đầu tiên bắn thử thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo từ tàu chiến; Mỹ có thể thành lập tiểu đoàn tên lửa Tomahawk ở Nhật Bản; căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Iran và Azerbaijan.

* Ấn Độ lần đầu tiên bắn thử thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo trên biển

Theo NDTV, vụ bắn thử được thực hiện từ tàu Odisha trên Vịnh Bengal và là một phần của chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo đầy tham vọng của Ấn Độ. Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết mục đích của chương trình bắn thử là nhằm đối phó và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo, nâng cao năng lực phòng thủ của Ấn Độ. Theo đó, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Ấn Độ sẽ đạt khả năng đánh chặn tên lửa hạt nhân tầm xa và máy bay mang vũ khí hạt nhân, bao gồm cả máy bay có trang bị hệ thống cảnh báo sớm. Cũng trong thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã chúc mừng Hải quân và Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ với kết quả này.

 Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo từ mặt biển. Ảnh: NDTV

Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo từ mặt biển. Ảnh: NDTV

Ấn Độ đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo nội khí quyển và ngoại khí quyển trong đó tên lửa đạn đạo nội khí quyển gồm những tên lửa có độ cao tầm bắn dưới 100 km. Trước đó, vào tháng 11-2022, Ấn Độ cũng đã bắn thử thành công từ mặt đất tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo AD-1, loại tên lửa đánh chặn tầm xa có khả năng vô hiệu hóa cả tên lửa đạn đạo ngoại khí quyển , nội khí quyển và máy bay mang vũ khí hạt nhân.

* Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên cho biết Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sẽ thành lập một tiểu đoàn tên lửa Tomahawk mặt đất ở Nhật Bản vào năm 2030. Tiểu đoàn này sẽ được biên chế trực thuộc Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 11 có sở chỉ huy đặt tại California.

Tuy nhiên, Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News cho biết việc quân đội Mỹ triển khai tên lửa tầm xa như vậy tới Nhật Bản là không hề dễ. Trước những căng thẳng và đối đầu quân sự cũng như mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng trong khu vực, Nhật Bản đã quyết định tăng cường mua sắm quốc phòng, nâng cao “năng lực tấn công” với kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawks có tầm bắn 1.600km.

Mỹ có thể thành lập tiểu đoàn tên lửa Tomahawk ở Nhật Bản vào năm 2030. Ảnh: Defense.Gov

Mỹ có thể thành lập tiểu đoàn tên lửa Tomahawk ở Nhật Bản vào năm 2030. Ảnh: Defense.Gov

Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang phát triển và tiến gần hơn đến việc có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ xe kéo cơ động. Hải quân Mỹ trước đó đã ký hợp đồng trị giá 217 triệu USD mua 154 tên lửa hành trình Tomahawk Block V, trong đó có 70 quả được thiết kế cho Hải quân, 54 quả dành cho Thủy quân lục chiến và 30 quả cho Lục quân. Lục quân và Thủy quân lục chiến sẽ sử dụng hệ thống tên lửa triển khai từ xe kéo cơ động.

Ngoài ra, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng có thể sử dụng tên lửa Tomahawk làm tên lửa bờ chống hạm có thể được trang bị trên tàu ven bờ, trên bờ biển và trên đảo phục vụ mục tiêu tác chiến chiến lược và chiến thuật có tầm bắn xa và độ chính xác cao, đầu đạn có sức hủy diệt lớn và có khả năng tiêu diệt các loại tàu chiến hạng nặng của đối phương.

* Căng thẳng gia tăng giữa Iran và Azerbaijan

Căng thẳng liên tục gia tăng trong những tháng gần đây giữa Iran Và Azerbaijan khiến nguy cơ xung đột có thể xảy ra trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh các vụ xung đột nhỏ lẻ giữa Azerbaijan và Armenia vẫn diễn ra.

Trước đó, vào tháng 1, Baku đã đóng cửa đại sứ quán của mình ở Tehran sau khi đại sứ quán bị một tay súng tấn công, làm một người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Khi đóng cửa đại sứ quán, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã trực tiếp đổ lỗi cho Iran về vụ việc. Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 3 vừa qua, Azerbaijan đã khánh thành đại sứ quán ở Israel. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thậm chí còn nói rằng ông và người đồng cấp Azerbaijan đã “nhất trí thành lập một mặt trận thống nhất chống Iran”.

Một cuộc tập trận trên biển của lực lượng Hải quân Iran. Ảnh: Reuters

Một cuộc tập trận trên biển của lực lượng Hải quân Iran. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 4, Azerbaijan tiếp tục trục xuất 4 nhà ngoại giao Iran với lý do “có những hành vi khiêu khích” và cáo buộc Iran sử dụng người dân địa phương để hoạt động gián điệp. Tuần này, trước chuyến công du tới Turkmenistan, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã đến Azerbaijan và khai trương đại sứ quán đầu tiên của Israel ở đây. Đại sứ quán Israel ở Azerbaijan chỉ cách biên giới với Iran 20 km. Tất cả những động thái trên đã làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước, đẩy khủng hoảng khu vực đến bờ vực xung đột mới.

Bên cạnh những căng thẳng về ngoại giao, nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực cũng gia tăng khi Azerbaijan liên tục chiếm lại các khu vực tranh chấp ở Armenia trong bối cảnh Nga bị chi phối bởi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng như tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Azerbaijan, trong khu vực cũng tăng lên rõ rệt. Cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ xung đột cục bộ trong khu vực và căng thẳng gia tăng giữa Iran và Azerbaijan có thể bùng phát và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Nam Kavkaz với sự can thiệp quân sự của Iran.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-23-4-an-do-thu-nghiem-thanh-cong-he-thong-phong-thu-ten-lua-dan-dao-hat-nhan-725941