Quân sự thế giới hôm nay (24-10): Iran sẽ sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35?

Quân sự thế giới hôm nay (24-10): Iran sẽ sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35? Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công thân vỏ chịu áp lực tàu ngầm STM500.

Iran sẽ sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35?

Theo trang BulgarianMilitary, Iran đang lên kế hoạch sản xuất nội địa hóa máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35. Tehran được cho là đã nhận được giấy phép sản xuất các loại máy bay này và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy lắp ráp trong tương lai gần.

 Iran sẽ sản xuất các dòng máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35? Ảnh: BulgarianMilitary

Iran sẽ sản xuất các dòng máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35? Ảnh: BulgarianMilitary

Theo đó, Iran có kế hoạch sản xuất từ 48 đến 72 chiếc Su-35 để trang bị cho lực lượng Không quân. Trong khi đó, số lượng máy bay Su-30 mà Iran dự kiến sản xuất vẫn chưa được công bố cụ thể. Việc triển khai dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35 tại Iran không chỉ giúp nước này tự chủ sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại cho quân đội, mà còn góp phần tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước.

Chương trình này cũng sẽ giúp Iran giảm phụ thuộc vào các nguồn cung thiết bị quân sự từ nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn chặn nước này tiếp cận các công nghệ quân sự và vũ khí. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Iran có được phép sản xuất và xuất khẩu hai dòng máy bay chiến đấu này đến một nước thứ ba hay không.

Đây cũng được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình tăng cường hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa Nga và Iran, cho thấy mối quan hệ chiến lược giữa Moscow và Tehran đang được củng cố.

Việc sở hữu các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga sẽ giúp nâng cấp sức mạnh đáng kể cho Không quân Iran. Su-35 là loại máy bay chiến đấu đa năng với khả năng cơ động cao, radar tiên tiến và hệ thống vũ khí hiện đại. Những tính năng này sẽ giúp Iran tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa trên không và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ không chiến đến tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất.

Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công thân vỏ chịu áp lực tàu ngầm STM500

Theo thông tin công ty STM công bố ngày 23-10-2024, buổi thử nghiệm thân vỏ chịu áp lực cho STM500, tàu ngầm tấn công và tác chiến đặc biệt đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, đã diễn ra thành công. Đây là lần đầu tiên một công ty tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất được bộ phận thân vỏ chịu áp lực của tàu ngầm quân sự trong nước.

Công ty STM là nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, được Cơ quan Công nghiệp quốc phòng (SSB) nước này giao nhiệm vụ sản xuất tàu ngầm chiến đấu đa năng.

Một phần thân vỏ chịu áp lực của tàu ngầm STM500 được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ 2024 (SAHA EXPO 2024) diễn ra ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Army Recognition

Một phần thân vỏ chịu áp lực của tàu ngầm STM500 được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ 2024 (SAHA EXPO 2024) diễn ra ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Army Recognition

Quá trình sản xuất thân vỏ chịu áp lực cho tàu ngầm STM500 bắt đầu từ tháng 6-2022 và đã vượt qua tất cả các bước kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.

Tàu ngầm STM500 được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm trinh sát, giám sát, hoạt động đặc biệt và tác chiến dưới nước. Tàu có khả năng triển khai liên tục trong 30 ngày, với sức chứa 8 lính đặc nhiệm và 22 thủy thủ đoàn, phù hợp cho cả hoạt động ở vùng nước nông và sâu. STM500 còn được trang bị ngư lôi hạng nặng và tên lửa dẫn đường, giúp tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Năng lực của STM500 không chỉ giới hạn ở nhiệm vụ phòng thủ quốc gia. Tàu ngầm STM500 nhận được sự quan tâm lớn từ lực lượng hải quân các nước, đặc biệt là những lực lượng hải quân thường xuyên hoạt động ở vùng biển nông. Ngoài dự án STM500, công ty STM còn tham gia vào các dự án hiện đại hóa tàu ngầm lớp Ay và lớp Preveze cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như hiện đại hóa tàu ngầm Agosta 90B của Pakistan.

Gần đây, công ty STM đã giới thiệu tàu hộ vệ lớp Ada MILGEM và tàu ngầm nhỏ STM500 tại các sự kiện quốc phòng lớn như Hội chợ quốc phòng và hàng không vũ trụ 2024 ở Nam Phi. Đây là những bước tiến trong việc mở rộng sự hiện diện của công ty STM tại châu Phi, đặc biệt là Nam Phi.

Ngoài Nam Phi, công ty cũng có các dự án tại Azerbaijan và Philippines. Công ty đã tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Azerbaijan (ADEX 2024), đồng thời giới thiệu các vũ khí hải quân hay các loại máy bay không người lái tại gian hàng của mình. Vai trò của STM tại các thị trường này nhấn mạnh chiến lược mở rộng sang châu Á, đặc biệt là với các đối tác Philippines và Malaysia.

TRUNG THÀNH(tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-24-10-iran-se-san-xuat-may-bay-chien-dau-su-30-va-su-35-800003