Quân sự thế giới hôm nay (25-3): Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 của Nga

Quân sự thế giới hôm nay (25-3) có những thông tin đáng chú ý sau: Thái Lan phát triển lựu pháo 105mm; Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 của Nga, phát triển hệ thống phòng không nội địa; Trung Quốc đưa vào sử dụng động cơ Shenyang WS-20 cho máy bay vận tải Y-20.

* Theo Military Leak, Viện Công nghệ quốc phòng (DTI) Thái Lan đã chính thức bắt đầu dự án mua sắm và phát triển công nghệ lựu pháo hạng nhẹ dựa trên công nghệ của Trung Quốc. Thông tin chi tiết công bố trên tài khoản mạng xã hội chính thức của DTI cho biết phía Thái Lan đã ký kết với Tập đoàn Poly Technologies của Trung Quốc tiến hành Giai đoạn 1 Dự án nghiên cứu và phát triển chung mẫu lựu pháo hạng nhẹ CS/AH2, cỡ đạn 105mm với ngân sách 48 triệu baht (khoảng 1,44 triệu USD).

Dự án được ký kết đựa trên nhu cầu của Quân đội hoàng gia Thái Lan, hiện đang tìm kiếm một mẫu lựu pháo hạng nhẹ 105mm mới thay thế cho hệ thống cũ đã lạc hậu như M425 12 nòng và M618A2 32 nòng nội địa. Lựu pháo hạng nhẹ CS/AH2 có cấu hình hệ thống tương tự M119 (L119) của BAE Systems biên chế cho Tiểu đoàn pháo binh 31, Trung đoàn pháo binh 1 và Lữ đoàn 1 thuộc Lực lượng Cận vệ hoàng gia và một số đơn vị khác.

Thái Lan mua sắm và phát triển lựu pháo hạng nhẹ với công nghệ lựu pháo 105mm của Trung Quốc. Ảnh: Lục quân Algeria

Thái Lan mua sắm và phát triển lựu pháo hạng nhẹ với công nghệ lựu pháo 105mm của Trung Quốc. Ảnh: Lục quân Algeria

CS/AH2 105mm là hệ thống lựu pháo do Công ty Norinco Trung Quốc sản xuất có trọng lượng nhỏ, đảm bảo tính cơ động chiến thuật cao. Với công nghệ lựu pháo 155mm nhập của Áo và công nghệ sản xuất đạn tầm xa, CS/AH2 là phiên bản cải tiến của lựu pháo PLL-01 cũng do Trung Quốc sản xuất. CS/AH2 có tầm bắn xa hơn với tốc độ đẩy tối đa 20 km/h. Hiện CS/AH2 105mm đã được xuất khẩu sang Algeria và Ethiopia.

* Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hệ thống phòng không riêng

Một quan chức công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nước này sẽ không cần mua hệ thống phòng không S-400 của Nga nữa. Trong điều kiện xung đột đang diễn ra ác liệt ở Ukraine thì việc Thổ Nhĩ Kỳ không còn mặn mà với hệ thống phòng không S-400 là điều có thể hiểu được. Theo quan chức giấu tên này thì lý do chính để Ankara “không cần” S-400 nữa là vì công nghệ sản xuất trong nước đã sớm “làm lu mờ” khả năng của hệ thống phòng không mà Thổ Nhĩ Kỳ từng tìm cách trang bị cho quân đội của mình trước đây.

Có lẽ tuyên bố này là quá sớm nhưng cũng dựa trên một thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghiệp phòng không nội địa. Các hệ thống phòng không tầm ngắn đang hoạt động và hệ thống phòng không tầm xa đang trong giai đoạn thử nghiệm và sản xuất đã mang lại cho Ankara một mức độ tự tin nhất định và thoát ly khỏi sự lệ thuộc vào nguồn vũ khí từ nước khác trong khi thúc đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.

 Bắn thử tên lửa phòng không tầm xa Siper. Ảnh: Getty Images

Bắn thử tên lửa phòng không tầm xa Siper. Ảnh: Getty Images

Breaking Defense dẫn lời chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc phòng Trung Đông Arda Mevlütoğlu cho biết: “Phòng không là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong các chương trình công nghiệp quốc phòng trong nước. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển và đưa vào sử dụng một số hệ thống chỉ huy phòng không và radar cảnh báo sớm, chẳng hạn như radar phòng không tầm xa ERALP, radar phòng không tầm thấp AIR, hệ thống chỉ huy và điều khiển phòng không HERIKKS, pháo phòng không tự hành Korkut, hệ thống phòng không tầm thấp Sungur, hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp và tầm trung Hisar và hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa tầm xa Siper”.

Đặc biệt, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Siper với công nghệ phát triển có thể là lý do khiến ông Haluk Gorgun, Chủ tịch công ty quốc phòng Aselsan Elektronik Sanayi của Thổ Nhĩ Kỳ tự tin tuyên bố rằng Ankara không cần phải phụ thuộc vào các hệ thống phòng không của Nga nữa. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, ông Haluk Gorgun nói: “Chúng tôi không cần S-300, S-400. Chúng tôi đang loại bỏ nhu cầu về chúng. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Siper có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 60 dặm (khoảng 96km) và được so sánh với S-400 đã được lần đầu bắn thử thành công vào tháng 8-2022. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hệ thống Siper sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quân đội nước này vào cuối năm 2023, mặc dù một số chuyên gia cho rằng “có thể” sẽ mất thêm vài năm nữa để xác định tính hiệu quả và đưa hệ thống này vào sử dụng trên thực địa.

Hình ảnh chiếc Y-20 với động cơ WS-20. Ảnh: Military Watch

Hình ảnh chiếc Y-20 với động cơ WS-20. Ảnh: Military Watch

* Trung Quốc đưa vào vận hành động cơ WS-20 mới cho máy bay vận tải Y-20 nhằm tăng cường năng lực không vận cho quân đội. Theo Military Watch, động cơ Shenyang WS-20 đã sẵn sàng đưa vào hoạt động, sẽ tăng cường đáng kể năng lực vận tải của máy bay Xi’an Y-20.

Mạng xã hội Trung Quốc cũng chia sẻ rộng rãi hình ảnh một chiếc Xi’aN Y-20 vận hành bằng động cơ Shenyang WS-20. Khi còn trong giai đoạn thử nghiệm, trang thiết bị quân sự sẽ được sơn vàng. Y-20 là một trong những máy bay vận tải lớn trên thế giới và đã được kiểm nghiệm trên thực tế với các chuyến hàng Trung Quốc viện trợ cho Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt hồi tháng 9-2022 và một số hoạt động quân sự khác. Với động cơ Shenyang WS-20, Y-20 có thể vận chuyển tối đa 66 tấn hàng hóa. Trước đây, với động cơ D-30KP-2 của Nga, điều này là hoàn toàn bất khả thi.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-25-3-tho-nhi-ky-tu-bo-he-thong-phong-khong-s-400-cua-nga-722876