Quân sự thế giới hôm nay (26-7): UAV Lancet vượt trực thăng Ka-52, thành mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng Leopard
Quân sự thế giới hôm nay (26-7) có những thông tin đáng chú ý sau: Hải quân Iran tiếp nhận tên lửa hành trình mới; UAV Lancet vượt Ka-52, thành mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng Leopard; Đức và Thụy Điển mua hơn 1.200 tên lửa không đối không AIM-120C-8.
* Hải quân Iran trang bị tên lửa hành trình hỗ trợ AI
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng hải quân Iran đã tiếp nhận tên lửa hành trình hải quân tầm xa và dẫn đường chính xác Abu Mahdi do ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tự phát triển. Tên lửa có hệ thống chỉ huy và điều khiển được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Với tầm bắn hơn 1.000km và sức công phá lớn, tên lửa hành trình Abu Mahdi giúp mở rộng khu vực phòng thủ hải quân của Iran lên nhiều lần và cho phép các đơn vị hải quân mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu cho lực lượng hải quân. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Chuẩn tướng Mohammad Reza Ashtiani cho biết trong buổi lễ ra mắt tên lửa hành trình Abu Mahdi hôm 25-7 rằng tên lửa có khả năng chế áp điện tử và “qua mặt” các hệ thống radar, đồng thời sử dụng AI để lập biểu đồ đường bay tối ưu.
Đầu đạn có công phá lớn của tên lửa có khả năng tiêu diệt nhiều tàu chiến đối phương từ các hướng khác nhau. Hệ thống phóng của tên lửa hành trình Abu Mahdi có thể bắn nhiều tên lửa trong một khoảng thời gian ngắn, và các tên lửa bắn ra sẽ bay theo nhiều quỹ đạo khác nhau. Tên lửa được dẫn đường bằng cả radar chủ động và thụ động, tăng khả năng tàng hình, biến tên lửa thành một “bóng ma” tấn công mục tiêu mà không bị phát hiện.
Các chuyên gia và kỹ thuật viên quân sự Iran trong những năm gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể và đã sản xuất nhiều loại vũ khí, khí tài nội địa, đảm bảo năng lực tự cấp, tự túc vũ khí cho lực lượng vũ trang. Học thuyết quân sự của Iran hướng đến phát triển quân đội nhằm mục đích phòng thủ và các quan chức Iran đã nhiều lần nhấn mạnh rằng quân đội Iran sẽ không ngần ngại tăng cường năng lực quân sự, bao gồm cả việc phát triển các hệ thống tên lửa và máy bay không người lái nhằm đảm bảo mục đích phòng thủ này.
* UAV Lancet mới là mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng Leopard
Theo Bulgarian Military, thiết bị bay không người lái (UAV) Lancet-3 của Nga đang trở thành vũ khí lợi hại hơn nhiều so với trực thăng tấn công Ka-52 Alligator trong tiêu diệt xe tăng Leopard 2. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây cho thấy thiệt hại đối với xe tăng Leopard 2 thường do máy bay không người lái gây ra. Các xe tăng Leopard 2, dù không bị phá hủy hoàn toàn, nhưng bị hư hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp tục tham chiến.
Lancet, hay còn được gọi là ZALA Lancet, là thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ của Nga được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát và giám sát. Lancet được trang bị một camera độ phân giải cao có thể chụp ảnh và quay video cùng một camera ảnh nhiệt cho khả năng tìm kiếm mục tiêu vào ban đêm. Lancet có thể đạt độ cao tối đa 5.000m, hoạt động tốt ở dải nhiệt từ -30 đến +40oC và có thể chịu được sức gió lên tới 15m/giây, được điều khiển bằng tay hoặc được lập trình bay tự động bằng hệ thống định vị GPS.
Đầu đạn Shmel-M của Lancet-3 được thiết kế đặc biệt cho mục đích chống tăng, các phương tiện bọc thép và các mục tiêu kiên cố khác. Công nghệ nhiệt áp được sử dụng trong đầu đạn Shmel-M đem lại uy lực mạnh và hiệu quả hơn, giúp Lancet-3 trở thành vũ khí hiệu quả đối với các mục tiêu bọc thép. Cơ chế hoạt động của đầu đạn là tương tự như tên lửa chống tăng dẫn đường. Lancet-3 sẽ phát nổ ngay trước khi lao vào mục tiêu và phóng ra một viên đạn xuyên giáp. Với tốc độ của thiết bị bay không người lái tăng lên gần gấp ba lần trong quá trình lao xuống mục tiêu, đầu đạn của Lancet-3 sẽ lao vào lớp giáp của xe tăng Leopard với vận tốc 300km/h. Một yếu tố nữa khiến Lancet-3 trở thành “vũ khí hủy diệt” đối với xe tăng Leopard là hệ thống dẫn đường quang điện tử tiên tiến.
Cũng theo Bulgarian Military, Lancet-3 là vũ khí đã tiêu diệt gần một nửa hệ thống pháo của NATO và Mỹ và được sử dụng chủ yếu trong tác chiến phản công, nhằm vào các mục tiêu pháo, radar, tổ hợp tên lửa và tàu hải quân cỡ nhỏ.
* Đức và Thụy Điển mua hơn 1.200 tên lửa không đối không AIM-120C-8
Đức và Thụy Điển sẽ mua 1.219 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM) theo các hợp đồng tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Cụ thể, Đức sẽ mua 969 tên lửa cùng các khí tài, thiết bị, phần mềm và gói hỗ trợ bổ sung với tổng chi phí hợp đồng ước tính khoảng 2,9 tỷ USD.
Theo Tạp chí quốc phòng Ukraine, Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) đã ra thông báo cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ “đã phê duyệt bán tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 và các thiết bị liên quan cho Đức với chi phí ước tính là 2,9 tỷ USD”. Bên cạnh đó, DSCA cũng đã phê duyệt một thương vụ tiềm năng, theo yêu cầu của Thụy Điển mua 250 tên lửa AIM-120C-8 cùng các thiết bị và gói hỗ trợ liên quan trị giá khoảng 605 triệu USD.
Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến thế hệ mới AIM-120C-8 có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, được trang bị cho không quân và hải quân và các đồng minh của Mỹ. Là phiên bản thế hệ sau của tên lửa AIM-7 Sparrow, AIM-120C-8 nhanh hơn, nhỏ gọn và nhẹ hơn, tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu tầm thấp. AIM-120C-8 kết hợp radar chủ động với bộ tham chiếu quán tính và hệ thống vi máy tính, giúp giảm phụ thuộc vào hệ thống điều khiển hỏa lực từ máy bay. Khi tiếp cận mục tiêu, radar chủ động sẽ hướng dẫn tên lửa kích nổ đầu đạn, tấn công mục tiêu, cho phép phi công bắn đồng thời nhiều tên lửa vào nhiều mục tiêu khác nhau và thực hiện các thao tác né tránh trong khi tên lửa tự dẫn đường tìm đến mục tiêu.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)