Quân sự thế giới hôm nay (30-7): Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối
Quân sự thế giới hôm nay (30-7) có những thông tin đáng chú ý sau: Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối; Thổ Nhĩ Kỳ giúp Azerbaijan nâng cấp máy bay chiến đấu Su-25; Mỹ, Australia hợp tác sản xuất tên lửa dẫn đường.
* Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga đi vào giai đoạn thử nghiệm cuối
Tập đoàn Rostec mới đây đã xác nhận pháo tự hành bánh lốp 152mm Malva SPH của Nga, còn gọi là 2S43 Malva, đã hoàn thành tốt các giai đoạn thử nghiệm cuối dưới sự giám sát của lực lượng vũ trang Nga.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 2019 và ra mắt vào năm 2020, pháo tự hành 2S43 Malva đánh dấu bước phát triển quan trọng trong kho vũ khí pháo binh của Nga. Tuy nhiên, đây không phải là bước đột phá đầu tiên của Nga trong lĩnh vực pháo tự hành bánh lốp. Trên thực tế, Nga đã bắt đầu phát triển khí tài này từ đầu những năm của thập niên 1980 với hệ thống lựu pháo 152mm trên khung gầm xe tải 8x8. Sau đó, hệ thống này đã ngừng sản xuất vào năm 1987. Năm 2013, hệ thống 2S35-1 Koalitsiya-SV KSh tiếp nối nỗ lực phát triển pháo tự hành bánh lốp còn dang dở đã được ra mắt. Tuy nhiên, dự án phát triển này cũng bị dừng lại do một số khó khăn như khung gầm khó sử dụng, trọng lượng quá lớn...
Pháo tự hành 2S43 Malva nặng 32 tấn, trang bị động cơ diesel YaMZ-8424.10 mạnh mẽ cung cấp công suất 470 mã lực, cho phép pháo đạt tốc độ tối đa 80km/h trên đường bằng. Rostec cho biết pháo tự hành 2S43 Malva có thể mang theo 30 quả đạn, tầm hoạt động đạt 1.000km trên đường bằng chỉ với một bình nhiên liệu và có thể được vận chuyển bằng máy bay Il-76.
Theo nguyên mẫu ra mắt năm 2020, pháo có cabin bọc thép bảo vệ người lái khỏi đạn và mảnh đạn vũ khí nhỏ. Hiện tại, Rostec vẫn chưa tiết lộ liệu có bất kỳ hệ thống bảo vệ chủ động hay thụ động nào khác sẽ được tích hợp vào hệ thống pháo mới này hay không và hiện cũng chưa có phiên bản cỡ nòng 155mm nào của 2S43 Malva được công bố. Điều này cho thấy xuất khẩu có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của hệ thống pháo mới này.
* Thổ Nhĩ Kỳ giúp Azerbaijan nâng cấp Su-25
Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 29-7 tuyên bố máy bay chiến đấu Su-25 đầu tiên của Azerbaijan được Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) nâng cấp đã vượt qua các bài thử nghiệm với kết quả tích cực. Theo Bulgarian Military, việc thử nghiệm bao gồm các cuộc bắn thử tên lửa thông minh và sử dụng bom do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tích hợp lên Su-25.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan và TAI đã ký hợp đồng hiện đại hóa máy bay Su-25 của Azerbaijan và quá trình hiện đại hóa này đã bắt đầu khoảng một năm trước và hiện đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, máy bay Su-25 của Azerbaijan được TAI hiện đại hóa sẽ mang tên mới: Su-25ML, tập trung vào các cải tiến quan trọng như hệ thống giám sát ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, hỗ trợ phần mềm ANS/KKS, và một số loại vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, trong đó có tên lửa KGK của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tích hợp vào Su-25, KGK có tầm bắn khoảng 110km từ trần bay cao và tầm bắn 37km từ trần cao thấp. Hiện Azerbaijan có 11 máy bay chiến đấu Su-25 trong biên chế; vì vậy, mặc dù có thiết kế đã cũ nhưng Su-25 rất quan trọng đối với Không quân Azerbaijan.
Su-25 là máy bay phản lực hai động cơ, một chỗ ngồi do Sukhoi phát triển từ thời Liên Xô, được thiết kế để yểm trợ lực lượng bộ binh thông qua hỏa lực tấn công các mục tiêu mặt đất của đối phương như xe tăng và xe bọc thép. Máy bay chiến đấu Su-25 có chiều dài 15,53m, sải cánh dài 14,36m và chiều cao 4,8m, trọng lượng cất cánh tối đa 19.000kg và dung tích bình nhiên liệu 4.500 lít, đạt tốc độ tối đa 975km/h, tầm bay 1.300km và trần bay 10.000m, có thể tác chiến ở độ cao 7.000m.
Về vũ khí, Su-25 có thể mang theo 4.400kg vũ khí trên 10 điểm treo bên ngoài. Su-25 cũng được trang bị pháo 30mm GSh-30-2 và nhiều loại tên lửa và bom khác. Su-25 đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột và được chứng minh là một máy bay đáng tin cậy và hiệu quả cho các nhiệm vụ hỗ trợ trên không và tấn công mặt đất.
* Mỹ và Australia công bố hợp tác sản xuất tên lửa dẫn đường
Theo The Rio Times (Thời báo Rio), Mỹ đã tuyên bố cam kết hỗ trợ Australia sản xuất hệ thống tên lửa dẫn đường đầu tiên vào năm 2025. Diễn biến mới này tiếp tục cho thấy mối quan hệ đồng minh quân sự tăng cường giữa hai nước. Thông báo được đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Australia vào ngày 28-7 vừa qua.
Trong một cuộc họp báo ở Brisbane, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố: “Chúng tôi đang thực hiện các sáng kiến chung cùng có lợi với ngành công nghiệp quốc phòng Australia, bao gồm cam kết hỗ trợ Australia sản xuất các hệ thống phóng tên lửa dẫn đường.” Tuy nhiên, ông Austin không cung cấp thêm chi tiết về sáng kiến này.
Người đồng cấp Australia Richard Marles bày tỏ sự hài lòng với sáng kiến hướng đến mục tiêu bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa dẫn đường tại Australia vào năm 2025. Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia nhất trí rằng quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Australia đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị lu mờ bởi sự cố rơi máy bay trực thăng quân sự MRH-90 Taipan khiến 4 quân nhân Australia mất tích ngoài khơi bờ biển Queensland trong cuộc tập trận chung Talisman Sabre. 47 trực thăng MRH-90 Taipan khác đã được lệnh không rời căn cứ cho đến khi có lệnh mới.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)