Quân sự thế giới hôm nay (8-6): Cựu Tổng thư ký đề xuất NATO gửi quân tới Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (8-6) có những thông tin đáng chú ý sau: Cựu Tổng thư ký Anders Rasmussen đề xuất NATO có thể gửi quân tới Ukraine; Hà Lan mua 14 trực thăng vận tại H225M cho lực lượng tác chiến đặc biệt; Ukraine nghiên cứu khả năng sản xuất đạn pháo 155mm.

* Bộ Quốc phòng Hà Lan mới đây xác nhận sẽ trang bị 14 máy bay trực thăng vận tải Airbus H225M Caracal cho lực lượng tác chiến đặc biệt. Số máy bay trực thăng mới này sẽ thay thế máy bay trực thăng vận tải Eurocopter AS532 Cougar và quá trình chuyển đổi sang sử dụng máy bay trực thăng vận tải H225M Caracal sẽ bắt đầu từ đầu năm 2028.

Hoạt động mua sắm này là một phần trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Hà Lan nhằm chuyển đổi một lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh trực thăng quốc phòng thành Lực lượng tác chiến đặc biệt. Hợp đồng mua sắm 14 trực thăng H225M Caracal cũng gồm gói thiết bị tác vụ mới và hệ thống mô phỏng phục vụ đào tạo bay và giảng dạy. Cũng như trực thăng Cougars, 14 máy bay trực thăng vận tải mới sẽ được đưa vào biên chế tại căn cứ Không quân Gilze-Rijen.

Trực thăng vận tải H225M Caracal có thể vận chuyển 28 binh sĩ và phi hành đoàn 2 người. Ảnh: Airbus

Trực thăng vận tải H225M Caracal có thể vận chuyển 28 binh sĩ và phi hành đoàn 2 người. Ảnh: Airbus

H225M Caracal là trực thăng quân sự vận tải chiến thuật tầm xa được phát triển từ nguyên mẫu Eurocopter AS532 Cougar chuyển đổi sang mục đích quân sự. Trực thăng được trang bị 2 động cơ và có thể chở tới 28 binh sĩ ngoài phi hành đoàn 2 người, tùy thuộc lựa chọn cấu hình đặt mua, được thiết kế chủ yếu để vận chuyển binh lính, sơ tán lực lượng thương vong và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, vận tải chiến thuật tầm xa, vận tải y tế hàng không, hỗ trợ hậu cần và các hoạt động hàng hải trên tàu.

H225M Caracal có thể được trang bị 2 súng máy cỡ đạn 7,62mm FN MAG, 2 hệ thống phóng tên lửa 68mm Thales FZ gắn bên hông, mỗi hệ thống có thể mang tới 19 tên lửa, hoặc ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU90 Impact và tên lửa không đối đất Hellfire. H225M Caracal được sản xuất trên hai dây chuyền riêng biệt ở Pháp và Brazil.

* Ukraine hướng đến sản xuất đạn pháo 155mm theo tiêu chuẩn NATO

Theo The Kyiv Independent, ngày 7-6 người phát ngôn nhà thầu quốc phòng Ukroboronprom Natalia Sad cho biết Ukraine đang tìm cách sản xuất đạn pháo 155mm và Ukroboronprom đang xây dựng năng lực chế tạo các loại đạn pháo theo tiêu chuẩn của NATO trong bối cảnh quân đội Ukraine hiện được trang bị một lượng lớn pháo phương Tây, cơ bản sử dụng cỡ đạn 155mm.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện với pháo tự hành AS90 155mm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Binh sĩ Ukraine huấn luyện với pháo tự hành AS90 155mm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Bà Natalia Sad tiết lộ: “Chúng tôi đã sản xuất được đạn cối 82mm, đạn pháo 122mm, đạn pháo 152mm, và đạn pháo xe tăng 125mm. Hiện giờ việc của chúng tôi là tiếp tục chế tạo đạn pháo cỡ nòng 155mm theo chuẩn NATO”. Ukroboronprom đã nâng sản lượng hàng tháng của các loại đạn khác nhau lên con số hàng chục nghìn và quy mô sản xuất của nhà thầu cũng không ngừng tăng lên.

Tháng 6 năm ngoái, quân đội Ukraine báo cáo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại đạn pháo từ thời Liên Xô, chủ yếu là đạn cỡ nòng 122mm và 152mm. Sau đó, phương Tây bắt đầu viện trợ hệ thống pháo cho Kiev và từ đó tạo ra nhu cầu sử dụng đạn theo tiêu chuẩn của NATO ngày càng cao.

* Theo The Guardian, ngày 7-6 (giờ địa phương) cựu Tổng thư ký Anders Rasmussen đưa ra nhận định NATO nên triển khai quân tới Ukraine. Cụ thể, ông Anders Rasmussen cho biết một nhóm các nước NATO có thể sẵn sàng gửi quân đến Ukraine nếu các nước thành viên không đảm bảo an ninh cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh của khối tới đây ở Litva.

 Cựu Tổng thư ký Anders Rasmussen đề xuất NATO gửi quân tới Ukraine. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine

Cựu Tổng thư ký Anders Rasmussen đề xuất NATO gửi quân tới Ukraine. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine

Cựu Tổng thư ký NATO cho rằng Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic có thể xem xét khả năng can dự mạnh mẽ hơn nữa “trong bối cảnh này” và nhấn mạnh rằng Ukraine nên nhận được những cam kết đảm bảo an ninh bằng văn bản chính thức, tốt nhất là trước hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra. Những cam kết này có thể bao gồm hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự và sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, những cam kết đảm bảo an ninh như vậy sẽ là không đủ và tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới NATO nên nhất trí về một đường hướng rõ ràng hơn cho Ukraine gia nhập khối.

Ông Rasmussen, hiện đóng vai trò là cố vấn chính thức cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về vị trí của Ukraine trong cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu, đã đi thăm một số nước châu Âu và Washington để đánh giá tâm lý đối với những thay đổi trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO vào 11-7 tới.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-8-6-cuu-tong-thu-ky-de-xuat-nato-gui-quan-toi-ukraine-730536