Quân sự thế giới hôm nay (8-8): UAV Lancet phá hủy xe chiến đấu bọc thép Stryker

Quân sự thế giới hôm nay (8-8) có những nội dung sau: Không quân Ấn Độ sản xuất 200 tên lửa không đối không Astra Mark 1; UAV Lancet phá hủy xe chiến đấu bọc thép Stryker; Hàn Quốc sẽ xây dựng cơ sở thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân tàu ngầm trong năm tới; Ukraine thử nghiệm xe bọc thép MRAP Inguar-3 4x4.

* Không quân Ấn Độ sản xuất 200 tên lửa không đối không Astra Mark 1

Theo NDTV đưa tin, Không quân Ấn Độ (IAF) đã cho phép sản xuất 200 tên lửa không đối không Astra Mark 1.

 Astra là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn được đưa vào sử dụng từ năm 2019 và có trong biên chế của cả lực lượng Không quân và Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indian MoD

Astra là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn được đưa vào sử dụng từ năm 2019 và có trong biên chế của cả lực lượng Không quân và Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indian MoD

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và công ty Bharat Dynamics Limited (BDL) là 2 đơn vị được cấp phép sản xuất tên lửa này, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc thay thế tất cả các tên lửa không đối không tầm xa của Nga có trong biên chế của IAF bằng các tên lửa nội địa.

Astra là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn hiện đại, được đưa vào sử dụng từ năm 2019 và có trong biên chế của cả lực lượng Không quân và Hải quân Ấn Độ. Ngoài Mark 1, Astra còn có nhiều biến thể khác như Astra Mk-2, Mk-3 và Astra-IR.

Astra Mk-1 có chiều dài 3,84m, đường kính 178mm và nặng 154kg. Tên lửa mang đầu đạn nổ phân mảnh nặng 15kg và được trang bị ngòi nổ vô tuyến cận đích. Được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, tên lửa có thể đạt tốc độ lên tới Mach 4,5 và hoạt động ở độ cao lên tới 20km. Astra Mk-1 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính con quay hồi chuyển sợi quang để dẫn đường ở chặng giữa và hệ thống dẫn đường radar chủ động để dẫn đường chặng cuối. Tên lửa có tầm hoạt động là 110km ở chế độ đuổi trực diện và 20km ở chế độ đuổi bám đuôi, tầm hoạt động thay đổi tùy thuộc vào độ cao phóng. Tên lửa được thiết kế có thể phóng từ nhiều loại máy bay khác nhau, bao gồm Su-30MKI, MiG-29K và HAL Tejas Mk.1/1A.

Biến thể Astra Mk-2 đang trong quá trình phát triển nhằm mở rộng tầm bắn của tên lửa lên 160km bằng cách sử dụng động cơ tên lửa xung kép cũng như áp dụng các công nghệ như ngòi nổ cận laser và đầu dò radar AESA.

Astra Mk-3, với sự hợp tác của Nga, sử dụng động cơ Ramjet nhiên liệu rắn, giúp tăng cường tầm bắn và tốc độ của tên lửa. Biến thể này được phát triển nhằm cạnh tranh với các tên lửa đối không AIM-260 của Mỹ và Meteor của châu Âu.

* UAV Lancet phá hủy xe chiến đấu bọc thép Stryker của Ukraine

Theo Bulgarian Military, 1 xe chiến đấu bọc thép Stryker của Ukraine, do Mỹ viện trợ, được cho đã bị máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga phá hủy khi cố gắng xâm nhập vào khu vực Kursk, giáp biên giới Ukraine.

 UAV Lancet của Nga. Ảnh: RFE/RL

UAV Lancet của Nga. Ảnh: RFE/RL

Kênh Telegram Military Maps đã chia sẻ một video được cho là ghi lại khoảnh khắc UAV Lancet phá hủy xe bọc thép này.

Lancet là loại UAV cảm tử, hay còn gọi là đạn tuần kích, do Nga phát triển và sản xuất nhằm thực hiện nhiệm vụ tìm và tiêu diệt mục tiêu. Với thiết bị cảm biến quang học và có thể điều khiển từ xa, UAV có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị.

So với các loại UAV truyền thống, UAV Lancet không chỉ phát hiện mục tiêu, mà còn là một thiết bị tấn công với đầu đạn cỡ nhỏ được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện cơ giới, công sự và các nhóm bộ binh. Bên cạnh đó, Lancet có thể hoạt động mà không cần định vị vệ tinh nhờ các mô-đun tự dẫn quang-hồng ngoại có thể thay thế. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, UAV Lancet được trang bị các mô-đun chiến đấu phù hợp. Ngoài ra, thiết kế đơn giản từ vật liệu phi kim và kích thước nhỏ gọn cũng là một trong những yếu tố khiến Lancet khó bị theo dõi, phát hiện và ngăn chặn bởi đối phương.

 Hình ảnh trong video được cho là xe chiến đấu bọc thép Stryker của Ukraine bị phá hủy bởi UAV Lancet của Nga. Ảnh: Bulgarian Military

Hình ảnh trong video được cho là xe chiến đấu bọc thép Stryker của Ukraine bị phá hủy bởi UAV Lancet của Nga. Ảnh: Bulgarian Military

* Hàn Quốc sẽ xây dựng cơ sở thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân tàu ngầm trong năm tới

Mới đây, Tạp chí Hàn Quốc Chosun tiết lộ Hàn Quốc đang tiến hành kế hoạch phát triển lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm.

Việc thúc đẩy các chương trình phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã có từ thời Tổng thống Roh Moo-hyun, nhưng tiến độ đã bị đình trệ do những thách thức trong việc đảm bảo nhiên liệu uranium và thiếu sự hỗ trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Hàn Quốc đã xác nhận kế hoạch xây dựng Viện nghiên cứu khoa học Munmu Daewang tại thị trấn Gampo-eup, thành phố Gyeongju vào năm tới, nhằm thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân nhỏ sử dụng cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với mục tiêu hoàn thành dự án vào đầu những năm 2030.

Các lò phản ứng này dự kiến sẽ sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu thấp 19,75%.

 Tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho Shin Chae-ho của Hải quân Hàn Quốc. Ảnh: HHI

Tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho Shin Chae-ho của Hải quân Hàn Quốc. Ảnh: HHI

* Ukraine thử nghiệm xe bọc thép MRAP Inguar-3 4x4

Công ty quốc phòng Inguar Defence của Ukraine vừa tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm thực địa đối với phiên bản xe bọc thép mới nhất MRAP Inguar-3 trong vùng chiến sự.

Inguar-3 được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhằm bảo vệ kíp điều khiển và binh lính trước nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm cả máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất FPV.

Inguar-3 là mẫu xe được sản xuất hoàn toàn tại Ukraine, đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, có khung gầm độc quyền và được trang bị giáp bảo vệ tiêu chuẩn STANAG cấp độ 3, có khả năng chống đạn xuyên giáp 7,62mm, mảnh đạn từ đạn pháo 155mm và mìn chống tăng.

Inguar-3 là xe bọc thép được sản xuất hoàn toàn tại Ukraine, đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO và được trang bị giáp tiêu chuẩn STANAG cấp độ 3. Ảnh: Inguar Defence

Inguar-3 là xe bọc thép được sản xuất hoàn toàn tại Ukraine, đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO và được trang bị giáp tiêu chuẩn STANAG cấp độ 3. Ảnh: Inguar Defence

Inguar-3 được tích hợp 1 bộ camera cung cấp chế độ xem 360 độ cho người lái, 1 mô-đun thiết bị điện tử để liên lạc, 1 hệ thống chữa cháy tự động với các cảm biến quang học, một hệ thống lọc không khí và các hệ thống hỗ trợ khác như hệ thống sưởi ấm cabin tự động, thiết bị nhìn ban đêm và điều hòa.

Ngoài kíp điều khiển 2 người, phiên bản Inguar-3 4x4 có thể chở thêm 6 lính dù, phù hợp với nhiều vai trò khác nhau, bao gồm các hoạt động tác chiến chiến thuật, hỗ trợ hỏa lực, sơ tán y tế và làm phương tiện vận chuyển vũ khí hạng nặng. Trong khi đó, cấu hình 6x6 được thiết kế cho các nhiệm vụ sơ tán, hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần chiến thuật và làm bệ phóng cho hệ thống tên lửa phóng loạt hoặc pháo tự hành.

Để giảm thiểu lỗi của người lái, các nhà phát triển đã lắp đặt hệ thống quản lý và an toàn thông minh hỗ trợ vận hành xe đúng cách. Trong quá trình thử nghiệm, xe được trang bị bộ tác chiến điện tử từ nhà sản xuất Kvertus của Ukraine.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-8-8-uav-lancet-pha-huy-xe-chien-dau-boc-thep-stryker-788640